Thời gian qua, nông dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) đã tập trung phát triển 3 mô hình trồng cây dược liệu, gồm cây cỏ ngọt, sa nhân và sả Java. Đây là hướng đi mới, tạo sự đa dạng cho các sản phẩm nông sản địa phương, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, mang lại cơ hội làm giàu cho người dân.
Thành viên HTX Thảo Mộc, xóm 5, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) chăm sóc vườn cỏ ngọt.
Đến thăm diện tích trồng sả Java của bản Bung Lanh, tuy thời tiết lạnh giá, nhưng sả vẫn mọc xanh tốt. Trưởng bản Lò Văn Thiên cho biết: Đầu năm 2019, UBND xã Mường Giàng đã phối hợp với Cơ sở sản xuất và chế biến tinh dầu Quỳnh Sơn (Quỳnh Nhai) đưa cây sả Java vào trồng thử nghiệm tại đây. Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy cây sả phát triển tốt, lượng tinh dầu tương đối cao, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu. Từ 1 ha trồng thí điểm, đến nay, toàn bản đã có trên 10 ha sả Java được trồng xen với cây sắn.
Để bà con yên tâm canh tác cây trồng mới, UBND xã đã cử cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn về kỹ thuật, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch lá... Cùng với đó, Cơ sở sản xuất và chế biến tinh dầu Quỳnh Sơn đã xây dựng nhà xưởng tại bản, hỗ trợ cây giống và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con. Hiện nay, cây sả đạt năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm. Cùng trên một diện tích trồng xen canh, bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm từ trồng sả và 20 triệu đồng từ cây sắn. Dự kiến trong năm tới, bản Bung Lanh sẽ trồng thêm 10 ha để nâng cao thu nhập cho người dân.
Cũng là một trong những đơn vị tiên phong trồng cây dược liệu ở xã Mường Giàng, năm 2013, CLB trồng sa nhân, bản Phiêng Ban đã trồng thử nghiệm 2 ha. Năm sau, thu hoạch lứa đầu tiên hơn 1,2 tấn quả tươi/ha. Nhận thấy cây sa nhân phát triển tốt, không bị dịch bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả cao, CLB đã nâng diện tích trồng sa nhân lên 7 ha. Đến nay, mô hình trồng sa nhân của Câu lạc bộ đã được nhân rộng toàn bản Phiêng Ban, với 75 hộ trồng gần 50 ha, giá bán từ 60.000- 120.000 đồng/kg, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.
Ngoài sa nhân và sả Java, năm 2019, cây cỏ ngọt được HTX Thảo Mộc đưa vào trồng thí điểm tại xóm 5, xã Mường Giàng. Năm 2020, mô hình này cho thu hoạch hơn 70 tấn cỏ tươi/1 ha; 1kg cỏ tươi cho 100 gram cỏ khô, được đóng gói và gắn nhãn mác, thương hiệu của HTX. Hiện nay, HTX Thảo Mộc đang liên kết với một số hộ nông dân trên địa bàn xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) để trồng 5ha cỏ ngọt. Điều đáng mừng là, năm 2020, sản phẩm Trà cỏ ngọt đã được chọn là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cung ứng cho 16 cửa hàng dược phẩm trên địa bàn tỉnh và một số cửa hàng ở tỉnh Điện Biên, Hải Phòng...
Ông Lò Văn Vùng, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Trước đây, việc trồng cây dược liệu trên địa bàn xã chủ yếu mang tính tự phát, năng suất thấp. Nhận thấy cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Mường Giàng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng trong xã để trồng cây dược liệu; khuyến khích người dân trong vùng chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; cử cán bộ chuyên môn và người dân đi học tập kinh nghiệm tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, để về áp dụng vào thực tế sản xuất...
Gắn việc trồng với sản xuất, chế biến dược liệu theo chuỗi, xã Mường Giàng làm vai trò trung gian, kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân, lấy doanh nghiệp là trung tâm trong việc liên kết chuỗi. Hỗ trợ và hướng dẫn một số HTX làm các thủ tục, hồ sơ, quy trình tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội chợ thương mại, tuần lễ văn hóa và du lịch hằng năm do huyện tổ chức... Từ hiệu quả thực tế, cây dược liệu đã và đang được nhiều người dân đón nhận, đầu tư phát triển để cải thiện thu nhập. Đến nay, toàn xã có hơn 66 ha, trong đó 55 ha cây sa nhân, 10 ha sả Java, 1 ha cỏ ngọt...
Có thể thấy, việc chuyển hướng cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu đã mang lại giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác cao gấp nhiều lần so với canh tác các loại cây trồng truyền thống. Đồng thời, tạo ra những dòng sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng của thị trường hiện nay, mở ra cơ hội việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!