Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng đề tài, dự án khoa học và công nghệ được chú trọng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Là những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư khóa IX về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” tại huyện Quỳnh Nhai.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện tại huyện Quỳnh Nhai.
Cụ thể hóa Chỉ thị số 50-CT/TW, hằng năm, huyện Quỳnh Nhai chủ động đề xuất với UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp khoa học ngân sách tỉnh với nguồn vốn ngân sách huyện để triển khai xây dựng đề tài, dự án khoa học và công nghệ, áp dụng thực tiễn trong sản xuất, chế biến của địa phương. Nhờ đó, nhiều dự án, đề tài được triển khai và phát huy hiệu quả, nổi bật, như: Triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cá sông Đà Sơn La” vào cuối năm 2018. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” cho 10 HTX thủy sản, 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Việc xây dựng thương hiệu “Cá sông Đà Sơn La” cho một số sản phẩm cá nuôi chủ lực của các huyện đã làm tăng khả năng tiếp cận và tạo uy tín thương hiệu cá sông Đà, góp phần tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân tại vùng lòng hồ sông Đà. Dự án ứng dụng công nghệ “Xây dựng mô hình chế biến nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ huyện Quỳnh Nhai” của HTX Cơ khí Xuân Hải, xã Chiềng Bằng, triển khai từ năm 2016 và được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh công nhận vào năm 2018. Theo đó, dây truyền sản xuất nước mắm Thu Hải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm do các cơ quan có thẩm quyền cấp, có tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hằng năm, HTX sản xuất từ 3.000 - 4.000 lít sản phẩm nước mắm bán ra thị trường, giải quyết được một phần đầu ra cho bà con khai thác đánh bắt thủy sản tại huyện Quỳnh Nhai, tạo sản phẩm nước mắm có chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện.
Đặc biệt, Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” đã xây dựng được mô hình du lịch bền vững lòng hồ thủy điện Sơn La, đó là mô hình du lịch cộng đồng bản Bon (Mường Chiên) và bản Bó Ban (Chiềng Bằng) gắn với trải nghiệm lòng hồ thủy điện. Đến nay, đã có nhiều công ty, HTX đã và đang đầu tư xây dựng khu du lịch lòng hồ tại xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh... Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp, HTX đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch lòng hồ Quỳnh Nhai, qua đó, thu hút nhiều du khách đến tham quan, góp phần tạo việc làm mới cho người lao động và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình và người dân tại vùng du lịch. Doanh nghiệp lữ hành địa phương đã có thương hiệu, các đoàn khách du lịch đặt tour ngày càng tăng. Môi trường được quan tâm vệ sinh sạch sẽ hơn, tài nguyên tự nhiên cũng được người dân coi trọng và giữ gìn hơn.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn được huyện Quỳnh Nhai triển khai rộng rãi đến người dân. Đặc biệt, là ứng dụng các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, các ứng dụng công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản được triển khai mạnh mẽ. Khuyến khích, hỗ trợ nhân dân áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sạch (VietGAP); ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm chủ lực và là tiềm năng thế mạnh của huyện. Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.200 ha cây ăn quả, trong đó nhiều diện tích đã sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng nhà lưới, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tận dụng hơn 10.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện, Quỳnh Nhai phát triển 46 HTX thủy sản nuôi gần 7.000 lồng cá... góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của nhân dân, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát huy những kết quả nghiệm thu từ các đề tài, dự án khoa học trên các lĩnh vực triển khai cho người dân triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với doanh nghiệp, HTX lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế, sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện, để đề xuất với UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ. Đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!