Quỳnh Nhai thực hiện tốt công tác sáp nhập xóm, bản

Thực hiện các Nghị quyết 115/NQ-HĐND và Nghị quyết 119/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung cho công tác sáp nhập bản, xóm..., sau tiến hành sáp nhập, toàn huyện còn 109 bản, xóm (so với 196 bản, xóm trước đây); số người hoạt động không chuyên trách từ 2.321 người giảm xuống 1.169 người.

 

Lãnh đạo UBND xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) làm việc với Ban quản lý bản Huổi Ná sau sáp nhập.

 

Theo các thông tin từ ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Quỳnh Nhai hiện có 105.090 ha đất tự nhiên, gồm 11 đơn vị hành chính, 196 bản, xóm. Theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, Quỳnh Nhai có 3 bản đạt chuẩn và 193 bản chưa đạt chuẩn. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập xóm, bản. Theo đó, chỉ đạo UBND các xã chủ động quán triệt, triển khai các văn bản của cấp trên; thành lập tổ công tác, xây dựng đề án sáp nhập; tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận cao nhất. Đồng thời, chỉ đạo các xã kiện toàn người hoạt động không chuyên trách của bản theo Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chức danh, số lượng, mức phụ cấp, hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức đoàn thể bản, xóm. Từ ngày 1/1/2020, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã triển khai thực hiện chi trả phụ cấp, bồi dưỡng kiêm nhiệm, hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách theo Nghị quyết số 120/2019/NQ-HĐND ngày 5/12/2019 của HĐND tỉnh. Đến nay, các bản, xóm trên địa bàn huyện đã hoạt động ổn định.

 

Chia sẻ về công tác sáp nhập bản ở xã, ông Tòng Văn Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, phân tích: Là xã vùng II, địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh; nhưng quy mô số hộ lại nhỏ, quy hoạch sử dụng đất không hiệu quả; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hệ thống công trình phúc lợi công cộng rất khó khăn... do vậy, việc thực hiện sáp nhập bản là phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chính quyền cấp xã, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách các bản. Sau khi tiến hành sáp nhập, Mường Giôn đã giảm từ 30 xuống còn 19 bản.

 

Tại xã Chiềng Ơn cũng vậy, sau sáp nhập, đã kiện toàn được đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách các bản, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần ổn định trật tự xã hội. Trao đổi về vấn đề này, bà Điêu Thị Hằng, Bí thư Chi bộ bản Huổi Ná, nói: Bản Huổi Ná chúng tôi được sáp nhập từ hai bản Huổi Nếch và Cỏng Ái. Do đã thông suốt, nên quá trình tiến hành sáp nhập khá thuận lợi, sau khi sáp nhập bản, hoạt động trên các lĩnh vực đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó do nhà văn hóa bản nhỏ, khó đáp ứng nhu cầu khi tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa, thể thao hoặc các sự kiện khác.

 

Dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng thực tế cho thấy, sáp nhập xóm, bản là phù hợp thực tiễn địa phương; bảo đảm tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách cấp bản, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại cộng đồng dân cư.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới