Nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm được Hội phụ nữ các cấp huyện Quỳnh Nhai, góp phần xây dựng nông thôn mới và hạnh phúc của mỗi tổ ấm gia đình.
Hội viên phụ nữ xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) duy trì nghề dệt thổ cẩm.
Bà Lò Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Toàn huyện có gần 11.400 hội viên, sinh hoạt tại 109 chi hội. Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp hội thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của hội viên; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Riêng năm 2020, Hội LHPN huyện đã giúp 22 hộ phụ nữ thoát nghèo; hội phụ nữ các xã giúp 11 phụ nữ khởi nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 16%.
Trong hoạt động, các cơ sở hội đã tổ chức cho hội viên đi tham quan thực tế các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất; các cơ sở hội nhận ủy thác với các ngân hàng trên 66,5 tỷ đồng cho 1.708 hội viên vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, vận động 4.843 hội viên tham gia tổ tiết kiệm, với mức đóng góp 5.000 đồng/hội viên/tháng, được trên 200 triệu đồng cho hội viên vay đầu tư trồng cây ăn quả, dược liệu, nuôi cá lồng, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng... Các mô hình đã cho thu nhập bình quân từ 150-250 triệu đồng/năm.
Chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng bản Bon, xã Mường Chiên, chia sẻ: Sau khi thực hiện di dân TĐC thủy điện Sơn La, bản Bon còn 152 hộ. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ nhiều phụ nữ trong bản phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, các thành viên HTX đã liên kết với Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai để phát triển du lịch cộng đồng, với quy mô 8 hộ gia đình, có khả năng tiếp đón khoảng 150 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm/ngày.
Tại xã Chiềng Bằng, hội viên phụ nữ lại lựa chọn mô hình nuôi cá lồng, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Chị Lù Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, thông tin: Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực đưa giống mới vào sản xuất, sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đúng mục đích. Đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình do phụ nữ làm chủ hộ có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.
Với giải pháp thiết thực, hiệu quả, phụ nữ Quỳnh Nhai đã biến tiềm năng thành lợi thế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!