Pá Ma Pha Khinh là xã vùng hồ của huyện Quỳnh Nhai. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống bà con nhân dân các dân tộc, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân khai thác, tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa..., nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nông dân xã Pá Ma Pha Khinh chăn nuôi gia súc.
Xác định chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế bền vững, Pá Ma Pha Khinh tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi gia súc theo hình thức làm chuồng trại, nuôi nhốt chuồng và trồng cỏ làm thức ăn phục vụ chăn nuôi; gắn chăn nuôi gia súc với thực hiện các tiêu chí về môi trường và nâng cao thu nhập. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi; hướng dẫn bà con cách thức dự trữ, ủ chua thức ăn cho gia súc; tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ phòng bệnh cho đàn gia súc... Ông Lừ Văn Thiến, Chủ tịch UBND xã Pá Ma Pha Khinh, cho hay xã sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ đầu tư từ các chương trình 30a, nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho nông dân vay vốn đầu tư mua bò giống sinh sản, làm chuồng trại chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn gia súc. Vận dụng tốt sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, ngay trong năm 2019, Pá Ma Pha Khinh đã được hỗ trợ 10 con bò, 20 con dê thuộc chương trình 30a cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn, hiện toàn xã duy trì chăn nuôi 2.820 con trâu, bò, 1.318 con dê, 1.176 con lợn trên 2 tháng tuổi; tổ chức trồng 15 ha cỏ làm thức ăn cho gia súc.
Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa. Riêng năm 2019, đã tiêm 8.335 liều vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gồm 3.600 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, 3.600 liều vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò; 800 liều vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và phun 120 lít tiêu độc khử trùng cho các chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn các phương pháp phòng chống dịch bệnh tại những bản có số lượng gia súc lớn, đã khoanh vùng chăn nuôi riêng, làm chuồng trại kiên cố như các bản: Pá Le, Tậu Khứm... Ông Hoàng Văn Hải (bản Pắc Ma), trưởng nhóm mô hình nuôi bò thương phẩm ở Pá Ma Pha Khinh chia sẻ: Từ năm 2010 đến nay, gia đình tôi cùng 6 hộ khác đã tận dụng phiêng bãi rộng ở thung lũng Phiêng Păng để khoanh vùng chăn nuôi bò sinh sản. Ban đầu chỉ có 20 con, đến nay đàn bò đã phát triển lên hơn 100 con bò sinh sản, mỗi năm xuất bán từ 15 đến 23 con, trung bình mỗi hộ thu từ 50 đến 75 triệu đồng/năm. Còn anh Lò Văn Thanh (bản Khoang), có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, thật thà: Được cán bộ xã tuyên truyền, gia đình tôi đã làm chuồng tương đối kiên cố và trồng 1.000 m2 cỏ voi để chăn nuôi gia súc. Hiện nhà tôi có 17 con bò, mỗi năm xuất bán hơn 1 tấn thịt lợn hơi..., tổng thu nhập một năm cũng trên 100 triệu đồng.
Phát huy kết quả, Pá Ma Pha Khinh tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng; khuyến khích người dân mở rộng mô hình trang trại với quy mô lớn; đồng thời, hướng tới thành lập HTX chăn nuôi... để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!