Hưởng ứng phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, ông Là Văn Nói, bản Muôn, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) đã tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, là hộ đầu tiên của bản mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Là Văn Nói (bên phải) phát triển nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi cá lồng của gia đình, ông Là Văn Nói nhớ lại: Để nhường đất xây dựng thủy điện Sơn La, năm 2006, gia đình tôi và các hộ dân của xã Mường Sại đã di chuyển đến nơi ở mới. Gia đình có 6 nhân khẩu, nhưng chỉ có hơn 1 ha đất trồng ngô, sắn, năm được mùa cũng chỉ đủ ăn. Được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi cá lồng, năm 2014, tôi đã vay 30 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện đầu tư 6 lồng nuôi cá trắm, lăng, rô phi đơn tính, nhưng do thiếu kinh nghiệm, cộng với thiên tai, nên gần như mất trắng. Không nản, tôi tìm hiểu thêm kiến thức trên sách, báo và được Hội Nông dân xã, huyện cho đi tham quan các mô hình nuôi cá lồng trong và ngoài tỉnh; được tham dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và Tổ tư vấn hỗ trợ thủy sản huyện Quỳnh Nhai tổ chức. Những kiến thức đó, tôi áp dụng vào thực tế nuôi cá của gia đình.
Được biết, năm 2017, ông Nói đã vay thêm 90 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục đầu tư nuôi cá. Lần này, ông di chuyển lồng cá đến vị trí quy hoạch nuôi cá thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại. Thức ăn cho cá ngoài cám, còn có cỏ voi, lá chuối, sắn và các loại cá nhỏ đánh bắt trên lòng hồ, nên cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng trung bình đạt 500 kg/lồng/năm, thịt cá săn chắc, thơm ngon hơn hẳn so với cá nuôi ở nhiều vùng khác nên bán được giá. Với số tiền tích góp được ông tiếp tục đầu tư thêm 6 lồng cá, đến nay gia đình ông có 12 lồng cá, sản lượng đạt trên 6 tấn cá các loại, bán với giá 50.000 đồng/kg cá rô phi, 80.000 đồng/kg cá lăng và cá trắm, trừ chi phí mỗi năm thu trên 150 triệu đồng. Ngoài nuôi cá lồng, gia đình ông còn nuôi 3 con bò nhốt chuồng, trồng hơn 2.000 m² cỏ voi làm thức ăn cho bò và cho cá.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng, ông Nói bảo: Trước khi thả cá và sau mỗi vụ thu hoạch phải đưa lồng lên cạn dùng vôi hoặc Chlorine 30 ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô từ 1 đến 2 ngày; thả cá với mật độ thích hợp, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá. Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất 1 lần, dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên trong và ngoài lồng lưới, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi và thường xuyên treo túi vôi trong lồng cá. Đặc biệt, thức ăn cho cá đảm bảo không bị mốc hay ôi thiu, hoặc quá hạn sử dụng, dễ gây ngộ độc cho cá. Vào mùa mưa lũ, kiểm tra các dây neo lồng, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ...
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Nói còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, ông là một trong những hội viên nông dân điển hình, tiêu biểu của xã, luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp nhiều hộ làm theo vươn lên thoát nghèo. Bà Lò Thị Yêu, bản Muôn, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo của bản, được ông Nói hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã nuôi 6 lồng cá rô phi và cá trắm, kết hợp mở cửa hàng bán hàng tạp hóa, trừ chi phí mỗi năm cho thu gần 100 triệu đồng. Có thu nhập, gia đình tôi đã hoàn trả được hết vốn vay ngân hàng, có điều kiện nuôi con học hành chu đáo, hiện gia đình đã thoát nghèo.
Năm 2020, ông Nói được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Ông được bà con trong bản gọi với cái tên thân mật: ông Nói “cá lồng”, ông là tấm gương sáng trong việc tự lực vươn lên làm giàu, xứng đáng để hội viên và nhân dân trong xã học tập và làm theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!