Những tháng cuối năm, thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Các cơ quan chuyên môn của huyện Quỳnh Nhai đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh; theo dõi, kiểm tra vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đưa ra khuyến cáo kịp thời cho người chăn nuôi; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thú y các bản, xóm; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Người dân xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) chăm sóc đàn vật nuôi.
Quỳnh Nhai hiện có 13.130 con trâu, 23.995 con bò, 23.720 con dê, 36.200 con lợn và 329.630 con gia cầm. Nhằm tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức tiêm phòng 14.100 liều vắc-xin viêm da nổi cục ở bò, 18.660 liều vắc-xin tụ huyết trùng và 20.770 liều vắc-xin lở mồm long móng cho trâu, bò; phun 532 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng...
Các đơn vị chức năng, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phối hợp với UBND các xã chỉ đạo cán bộ thú y xã, bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân thu gom các rơm, thân lá cây ngô và các phụ phẩm nông nghiệp, thu hoạch cỏ voi để ủ chua hoặc phơi khô để làm thức ăn dự trữ, tăng cường sức đề kháng cho gia súc; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc, gia cố chuồng trại, tận dụng chăn, vải, bạt cũ để che chắn chuồng trại, ủ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp và luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ để phòng, chống các loại bệnh.
Tại xã Chiềng Khoang, xã có số lượng hơn 43.000 trâu, bò, nhiều nhất huyện. Thời điểm này, bà con đang tập trung thu gom rơm rạ vụ lúa mùa để dự trữ thức ăn trong mùa đông sắp tới cho đàn vật nuôi. UBND xã chỉ đạo cán bộ thú y rà soát, tổ chức tiêm gần 2.000 liều vắc xin viêm da nổi cục ở bò, 2.630 liều vắc xin tụ huyết trùng, 3.200 liều vắc xin lở mồm long móng.
Bà Lường Thị Da, bản Hán, xã Chiềng Khoang, chia sẻ: Gia đình tôi, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, 7 con bò của gia đình là tài sản có giá trị lớn. Tôi chủ động làm chuồng để nuôi nhốt và trồng cỏ voi, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun khử trùng để tránh nguồn lây bệnh.
Còn tại xã Chiềng Bằng, ngoài phát triển nghề thủy sản, thì chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. UBND xã chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với các bản rà soát gia súc để tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin. Hướng dẫn người dân bổ sung thức ăn cho đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng; vận động người dân không mua, bán gia súc trong thời điểm dịch bệnh và không rõ nguồn gốc. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào vi phạm giấu dịch, giết mổ lợn, trâu, bò mắc bệnh, nhập gia súc không khai báo sẽ xử lý hành chính và tiêu hủy đàn vật nuôi.
Ông Là Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, thông tin: Hiện nay, nhân dân trong xã đang tập trung chăm sóc và bảo vệ gần 3.000 con bò, 735 con trâu, 1.285 con dê. Bảo vệ đàn vật nuôi, xã tổ chức rà soát, thống kê hộ đã có chuồng trại đủ điều kiện, vận động các hộ chưa có chuồng trại cần chuẩn bị các vật liệu sẵn có để che chắn gió lùa, đảm bảo ấm trong mùa đông sắp tới, đặc biệt là những ngày giá rét và sương muối; hướng dẫn áp dụng các biện pháp ủ rơm với u rê để tạo lượng thức ăn dự trữ lâu dài cho đàn gia súc.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết và dịch bệnh, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới đàn vật nuôi, nhất là những tháng mùa đông sắp tới, cùng với việc triển khai xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi vụ đông xuân 2021-2022 của cơ quan chuyên môn, người dân cần ý thức trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiệt hại về kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!