Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở Mường Giôn

Mặc dù là xã vùng II, nhưng Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai lại có khá nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, như: Phát triển lâm nghiệp, trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ... Xác định được thế mạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Mường Giôn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng phù hợp với lợi thế.

 

Người dân bản Bo Xanh, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) thu hoạch dứa.

 

Trước hết, xã tranh thủ tận dụng các nguồn lực đầu tư để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn để mọi hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng sản xuất và kinh doanh, các tổ chức đoàn thể đã nhận ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với tổng dư nợ gần 110 tỷ đồng, hơn 1.000 hộ được vay... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; tuyên truyền, vận động bà con tập trung thâm canh, đưa các loại giống lúa lai, ngô lai vào gieo trồng; hướng dẫn các phương pháp sử dụng công cụ hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật sơ chế, bảo quản nông sản... để ổn định giá cả nông sản, tăng giá trị cũng như chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

 

Theo các thông tin từ ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã, Mường Giôn hiện đang thâm canh gần 560 ha lúa (hơn 260 ha lúa chiêm xuân, gần 300 ha lúa mùa), sản lượng khoảng gần 3.000 tấn/năm; cùng với đó là 33 ha lúa nương, gần 400 ha ngô xuân hè, sản lượng các loại gần 2.000 tấn/năm. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân Mường Giôn còn tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất: Trồng xoài Thái Lan, bưởi da xanh theo công nghệ tưới ẩm và tưới nhỏ giọt tại bản Mấc Líu và bản Bo Xanh; trồng sa nhân dưới tán rừng ở bản Huổi Ngà..., tổng diện tích các loại cây ăn quả của xã lên tới 165 ha, gồm: Xoài, nhãn, bưởi, mận, chuối, dứa..., trong đó, hơn 80 ha đã cho thu hoạch. Đối với việc phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc, xã áp dụng mô hình trang trại quy mô nhỏ và nuôi nhốt; tổ chức quy hoạch các bãi chăn thả; đồng thời, vận động nông dân trong xã trồng 35 ha cỏ voi VA06. Nhờ vậy, đàn gia súc của xã phát triển khá với trên 12.000 con, chưa kể hàng vạn con gia cầm các loại. Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, kinh tế đồi rừng cũng được xã chú ý phát triển, đã thành lập HTX trồng rừng Mường Giôn gồm 10 thành viên tham gia, trồng 530 ha rừng (riêng năm 2019, trồng mới 200 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây thông), diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ trên 7.000 ha. Cùng với đó, Mường Giôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh tập trung xây dựng một số sản phẩm đặc trưng địa phương, như: Nếp pỏm Phiêng Mựt, trám đen, vịt cổ xanh Mường Giôn, chuối xanh... Ngoài sản xuất nông nghiệp, Mường Giôn chú trọng khuyến khích các hộ dân phát triển kinh doanh, dịch vụ (hiện có 172 hộ kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ vận tải, nhà nghỉ, ăn uống... vừa giải quyết việc làm, vừa tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Theo thống kê, thu nhập bình quân năm qua của Mường Giôn đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%...

 

Phát huy kết quả đạt được, Mường Giôn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi... Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi, phấn đấu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới