Tận dụng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm qua, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm lồng, chăm sóc cá cho các hộ dân; tổ chức cho người dân các bản đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở các xã trong huyện, đưa nghề nuôi cá lồng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lò Văn Hương, bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn.
Thăm quan mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lò Văn Hương, bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn. Năm 2018, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, ngoài đầu tư nuôi bò, anh đã mạnh dạn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Anh Hương cho biết: Gia đình tôi đầu tư nuôi 6 lồng cá các loại, như: cá trắm, chép và rô phi. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu gần 100 triệu đồng từ bán cá thương phẩm ra thị trường.
Theo tính toán của các hộ dân nuôi cá lồng ở xã Chiềng Ơn thì 1 lồng cá có thể cho lãi từ 10 -15 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng lồng cá ở Chiềng Ơn hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sở dĩ, người dân trong xã chưa mạnh dạn đầu tư là vì khâu tiêu thụ chưa ổn định. Hơn nữa, việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện cũng gặp nhiều rủi ro, bị nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài như mưa lũ, nắng nóng..., khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại. Điển hình cuối tháng 5 vừa qua, 15/30 lồng cá của gia đình ông Lò Văn La, thành viên của HTX Hồ Quỳnh, cá bị chết hàng loạt, tổng thiệt hại 10,5 tấn, toàn bộ là cá lăng đen. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã kiểm tra, xác minh, nguyên nhân cá chết là do thời tiết nắng nóng gay gắt, cá bị thiếu oxy.
Diện tích nuôi, trồng thủy sản của xã Chiềng Ơn hiện có trên 2.504 ha, trong đó có 4,1 ha diện tích ao cá, còn lại là diện tích mặt hồ thủy điện Sơn La. Toàn xã có 1.309 lồng cá, chủ yếu tập trung ở 10 hợp tác xã với 1.281 lồng cá. Còn lại là 4 hộ nuôi riêng lẻ với tổng số 28 lồng cá; tổng sản lượng cá đánh bắt trong 9 tháng đầu năm ước khoảng 50,8 tấn cá các loại.
Bên cạnh đó, bà con trong xã còn khai thác thủy sản trên sông để tăng thu nhập. Toàn xã hiện có 33 gia đình và 4 HTX tham gia đánh bắt thủy sản. Chiềng Ơn đã tuyên truyền vận động nhân dân không sử dụng các hình thức đánh bắt cá tận diệt, như bằng chất nổ, xung điện bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng hồ. 9 tháng qua, xã đã tổ chức 5 cuộc tuần tra, phát hiện, thu giữ 610 chiếc lưới bát quái và tiêu hủy theo quy định; nhắc nhở 3 trường hợp vi phạm kích thước mắt lưới.
Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân chấp hành đúng lịch mùa vụ nuôi; tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, không chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Tăng cường hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh ao nuôi và lồng cá. Kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác, đánh bắt thủy sản, tổ chức ký cam kết cho các hộ dân và các HTX không sử dụng ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản...
Cùng với mở rộng quy mô nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà gắn với chuỗi giá trị bền vững, xã Chiềng Ơn tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cá sông Đà, tìm đầu ra cho sản phẩm để các hợp tác xã, hộ dân nuôi thủy sản trên địa bàn yên tâm mở rộng quy mô nuôi cá lồng, giúp các hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!