Năm học 2021-2022, Trường TH&THCS Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai có 1 điểm trung tâm và 12 điểm lẻ, với 998 học sinh, trong đó có 491 học sinh thuộc diện bán trú. Trước đây, vào thời điểm đầu năm học, các lớp hầu như không đảm bảo sĩ số, do học sinh nhà xa trường; các thầy cô phải đến từng bản vận động các em xuống lớp, nhưng đến giữa tuần nhiều em lại bỏ về. Từ khi nhà trường được xây dựng nhà ăn, nhà ở bán trú; học sinh được ăn, ngủ tại trường, phụ huynh tin tưởng, yên tâm cho con đi học, các em có điều kiện tập trung học tập tốt hơn.
Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường TH&THCS Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai.
Đến thăm nhà ở bán trú của học sinh trong trường, quan sát các phòng ở của học sinh đều ngăn nắp, sạch sẽ, chăn gối được gấp gọn gàng. Em Bạc Thị Thùy Linh, lớp 4A1 nhà ở bản Bống, xã Nặm Ét, phấn khởi nói: Em ở bán trú đã được ba năm rồi. Năm học này, em và em trai học lớp 2 đều được ở bán trú. Ở đây, chúng em được thầy cô chăm sóc tận tình, được ăn ngon, có nhiều thời gian hơn để học tập và tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, học kỹ năng sống. Nhờ đó, em có thêm nhiều kiến thức, biết cách ứng xử với bạn bè, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Trong 3 năm học vừa qua, em đều đạt học sinh giỏi.
Ngay đầu năm học, nhà trường đã ký hợp đồng với 6 nhân viên nấu ăn và cơ sở cung cấp thực phẩm; xây dựng thực đơn bữa ăn học sinh theo tuần và niêm yết công khai. Các mặt hàng thực phẩm khô được nhập theo tuần; thực phẩm tươi được nhập theo ngày vào đầu giờ sáng có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sát sao từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến và lên thực đơn, vì vậy tất cả các bữa ăn của học sinh đều an toàn, đủ dinh dưỡng. Hàng năm, nhân viên phục vụ nấu ăn của trường còn tham gia các lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm do Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức, được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng gia trồng thêm rau xanh để chủ động nguồn thực phẩm an toàn cho học sinh.
Chị Lò Thị Xoan, cán bộ nấu ăn bán trú, cho biết: Tôi làm nhân viên nấu ăn trong trường đã được 6 năm. Quá trình nấu ăn cho học sinh, tôi thực hiện nghiêm việc lấy mẫu thực phẩm để lưu, trước khi chế biến, trong khi chế biến và chế biến xong trong 24 giờ và được nhân viên y tế kiểm tra hàng ngày, hướng dẫn, nhắc nhở các em rửa tay trước khi ăn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng, thông tin: Nhà trường đã thành lập Ban quản lý bán trú, xây dựng nội quy và các quy định sinh hoạt khu nội trú theo giờ, phân công giáo viên phụ trách phòng bán trú, quản lý học sinh sau giờ học. Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, vào buổi tối, các thầy, cô giáo thay phiên hướng dẫn học sinh bán trú ôn bài và chuẩn bị bài mới. Đồng thời, thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư của học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó giúp các em yên tâm, nỗ lực học tập.
Năm học 2020-2021, trường có trên 96% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 33% số học sinh bậc THCS đạt học lực khá, giỏi; 89,9% số học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Với việc thực hiện tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!