Những năm gần đây, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.
Người dân xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ.
Là xã nằm trong vùng di dân TĐC thủy điện Sơn La, trước đây, bà con chủ yếu trồng các loại cây trên nương, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, xã Mường Sại đã vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng theo hướng sản xuất hàng hóa; đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhốt tập trung gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.
Ngoài sự hỗ trợ con giống từ các chương trình 135, nông thôn mới, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với các ngân hàng cho 587 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, với tổng dư nợ trên 26,2 tỷ đồng. Cùng với đó, vận động các hộ dân chuyển đổi gần 70 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cỏ voi VA06, chuối, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn làm thức ăn chăn nuôi...
Hiện, xã Mường Sại có gần 3.000 con trâu, bò; gần 2.200 con dê; hơn 1.700 con lợn trên 2 tháng tuổi và trên 22.000 con gia cầm các loại. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn khai thác mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi cá lồng; vận động người dân liên kết thành lập hợp tác xã thủy sản để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tổ chức đánh bắt thủy sản để nâng cao thu nhập. Xã có 5 hợp tác xã thủy sản, quy mô sản xuất 390 lồng cá, tổng sản lượng cá thương phẩm đạt 100 tấn/năm; sản lượng đánh bắt trên lòng hồ 70 tấn/năm.
Ông Lò Văn Đoạn, bản Nhả Sày, là một trong những hộ điển hình trong chăn nuôi, chia sẻ: Nhận thấy nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi dê nhốt chuồng trên địa bàn huyện Thuận Châu để áp dụng thực tế chăn nuôi của gia đình. Năm 2018, tôi bàn bạc với gia đình sử dụng hơn 30 triệu đồng tiền tiết kiệm để xây chuồng, mua 10 con dê về nuôi. Sau một năm, đàn dê phát triển tốt, hơn nữa, nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt dê lớn, nên tôi quyết định vay thêm 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư mở rộng quy mô nuôi. Năm 2020, gia đình tôi xuất chuồng hơn 1,3 tấn dê thịt ra thị trường, thu trên 160 triệu đồng. Ngoài nuôi dê, tôi còn nuôi 8 con bò, trồng hơn 1.000 m² cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển kinh tế của xã trong thời gian tới, ông Lò Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, xã tiếp tục khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ, bảo vệ môi trường, đưa các loại giống vật nuôi có giá trị kinh tế vào chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống và mở rộng các mô hình chăn nuôi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!