HTX Thủy sản Hồ Quỳnh tăng thu nhập cho các thành viên

Với hơn 10.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, từ năm 2010 trở lại đây, nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai khá phát triển. Nhiều hộ dân vùng lòng hồ thủy điện đã tập trung đầu tư phát triển nuôi cá lồng, chủ động liên kết hình thành HTX, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản.  Đi đầu trong việc khai thác tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nuôi trồng thủy sản là HTX Thủy sản Hồ Quỳnh, thuộc địa bàn xã Chiềng Ơn.

Thành viên HTX Thủy sản Hồ Quỳnh (Quỳnh Nhai) kiểm tra, chăm sóc cá nuôi lồng.

Thành lập năm 2014, HTX Thủy sản Đán Đăm 4 (nay là HTX Thủy sản Hồ Quỳnh), có 7 thành viên liên kết nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, các thành viên còn tập trung chế biến thủy sản như: Cá khô, cá giảng, cá tép dầu. Trong quá trình hoạt động, các thành viên tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do xã, huyện tổ chức. Cùng với đó, Ban Giám đốc HTX hướng dẫn các thành viên đăng ký thực hiện nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; tìm thị trường bao tiêu sản phẩm cá nuôi cho các thành viên... Năm 2017, sản phẩm cá lồng của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 2/2019, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ trao quyết định cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”.

Dẫn chúng tôi đi thăm các lồng cá nuôi, anh Lò Văn La, Giám đốc HTX Thủy sản Hồ Quỳnh, cho biết: Sau 6 năm thành lập, từ 14 lồng cá, đến nay HTX đã có 131 lồng nuôi các loại cá: trắm đen, chép, trê, trắm cỏ, rô phi.... Sản lượng cá nuôi đạt hơn 110 tấn/năm; doanh thu trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng, thu nhập đạt 450 triệu đồng/thành viên/năm. Riêng sơ chế, chế biến sản phẩm cá khô, cá giảng, cá tép dầu đã tạo việc làm ổn định cho 14 lao động, sản lượng hơn 16 tấn thành phẩm/năm; doanh thu hơn 2,6 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, sản phẩm cá tép dầu của HTX đã được UBND xã Chiềng Ơn lựa chọn là sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”  (Chương trình OCOP). Hiện nay, sản phẩm cá tép dầu được trưng bày, giới thiệu, bán tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Quỳnh Nhai.

Anh Lâm Đức Lộ, thành viên HTX Thủy sản Hồ Quỳnh chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn cá và được HTX hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Gia đình các thành viên cũng thường xuyên kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi; đầu tư thêm thùng phao nổi, thay mới những tấm lưới cũ, rách; bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ theo tuần, đảm bảo môi trường sống tốt cho cá, hạn chế dịch bệnh...

Không chỉ giúp các thành viên phát triển kinh tế, HTX còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Lâm Mạnh Quân, lao động của HTX cho hay: Trước đây, tôi đi làm thuê ở một số tỉnh miền xuôi, trừ chi phí sinh hoạt thì thu nhập hằng tháng không được bao nhiêu. Năm 2015, bạn bè giới thiệu, tôi xin vào làm việc tại HTX Thủy sản Hồ Quỳnh, thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng nên rất yên tâm.

Thời gian tới, HTX Thủy sản Hồ Quỳnh đã có kế hoạch đầu tư nuôi thêm 40 lồng cá các loại. Song, để đạt được kế hoạch này, HTX rất mong các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; chuyển giao kỹ thuật nuôi cá... Giúp HTX tiếp tục khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới