Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã liên kết thành lập HTX phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao và ổn định. Trong đó, HTX An Bình là một trong những điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, là 1 trong số tập thể điển hình được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Sơn La lần thứ V vừa qua.
HTX An Bình, bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Thành lập năm 2016, hiện HTX An Bình có 18 thành viên, với trên 200 lồng cá, mỗi năm xuất bán khoảng 60 tấn cá thương phẩm các loại. Với phương thức nuôi bán công nghiệp kết hợp nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương, nên chất lượng cá thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, doanh thu năm 2019 đạt trên 1,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/thành viên/tháng. Tiêu biểu là hộ các ông: Lò Văn Liến có 25 lồng cá; Lò Văn Chiến 22 lồng cá; Lò Văn Bình 15 lồng cá... thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng cán bộ xã Chiềng Bằng đến thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Lò Văn Bình, Giám đốc HTX An Bình. Vừa vệ sinh lồng để nuôi lứa cá mới, anh Bình chia sẻ: Năm 2012, tôi cùng một số hộ gia đình trong bản đầu tư lồng nuôi cá. Mới đầu, nuôi thử nghiệm 1 lồng cá chép, rô phi, do không có kinh nghiệm nên cá phát triển chậm. Sau đó, tôi tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn, hướng dẫn kỹ nuôi cá theo quy trình VietGAP do huyện tổ chức và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, vì vậy cá nuôi không bị bệnh, thịt chắc và thơm ngon, bán được giá. Đến nay, gia đình có 15 lồng cá, năm 2019, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Năm 2016, tôi và các hộ trong bản đã thành lập HTX An Bình để thống nhất quy trình sản xuất sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài những lồng cá trắm, chép, rô phi và cá lăng để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay một số thành viên của HTX An Bình đang nuôi thử nghiệm 4 lồng ếch thương phẩm, với tổng số 7.000 con. Được biết, số ếch giống được HTX mua từ cơ sở sản xuất cung ứng giống thủy sản ở tỉnh Hải Dương, với giá 1.200 đồng/con. Sau hơn 1 tháng nuôi thử nghiệm, đàn ếch sinh trưởng, phát triển tốt, dự tính khoảng 2 tháng nữa là xuất bán. Hiện tại, trên thị trường 1 kg ếch thương phẩm có giá từ 40.000 đến 70.000 đồng.
Nhận xét về mô hình nuôi cá lồng của HTX An Bình, bà Lường Thị Phượng, Bí thư đảng ủy xã Chiềng Bằng cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 18 HTX nuôi cá lồng, với tổng số 3.700 lồng nuôi cá chép, rô phi, trắm cỏ và một số loại cá đặc sản, như cá lăng. Trong đó, HTX An Bình là một trong những HTX nuôi cá lồng tiêu biểu của xã cả về số lượng và chất lượng. Các thành viên Ban Quản trị HTX đều là thế hệ 8X, 9X rất năng động, các sản phẩm của HTX đã góp phần xây dựng và quảng bá rộng rãi thương hiệu cá Sông Đà.
Bên cạnh những thuận lợi, HTX An Bình gặp những khó khăn, đó là: Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu được thực hiện theo phương thức truyền thống, chở đi giao bán cho các nhà hàng và các chợ truyền thống trong, ngoài huyện không ổn đinh. Vì vậy, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cá thương phẩm, HTX An Bình kiến nghị với huyện tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ HTX trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho HTX tham gia các hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản. Qua đó, giúp HTX có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác và liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, mong huyện tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản tại địa phương.
Tin rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của HTX, cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, thời gian tới, HTX An Bình sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!