HTX Thái Tuấn, xóm 7, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) đã tập trung nghiên cứu sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá, tạo việc làm, mang lại nguồn thu ổn định cho thành viên và người dân. Năm 2019, sản phẩm cá tép dầu khô của HTX đạt hạng 4 sao của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP tỉnh Sơn La. HTX đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Thành viên HTX Thái Tuấn giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng.
Thành lập năm 2017, với 8 thành viên, thời gian đầu, HTX Thái Tuấn chủ yếu chế biến các sản phẩm từ cá tép dầu sông Đà, loại cá nhỏ, thường xuất hiện thành đàn và ăn sinh vật phù du ở tầng nước mặt. Chị Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX cho biết: Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, chúng tôi đã ký hợp đồng với 2 đơn vị chuyên thu mua thủy sản. Cá tép dầu được chế biến theo quy trình: Rửa sạch, đánh vẩy, lọc sạch ruột; mổ theo sống lưng để mật cá không bị vỡ và tạo thành phẩm đẹp. Sau khi sơ chế, cá được tẩm ướp các gia vị như muối, tương ớt, sa tế, đường, bột nghệ... sau 30- 40 phút đem phơi khô. Cứ 5 kg cá tươi sẽ chế biến được 1 kg cá khô.
Trong hoạt động, HTX đã cử thành viên tham gia các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai tổ chức, tiếp thu các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm, mô hình HTX kiểu mới... Đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh có thế mạnh về ngành chế biến thủy sản như Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng... để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên website, zalo, facebook... Sản phẩm cá tép dầu khô tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và được bày bán tại Trung tâm Giới thiệu hàng nông sản sạch của huyện Quỳnh Nhai. Ngoài ra, còn trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng của HTX ở Thành phố, trung tâm huyện Sông Mã và Sốp Cộp; các đại lý tại Hà Nội, Thái Nguyên và Hưng Yên. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán 3 tấn cá thành phẩm ra các thị trường.
Hiện nay, HTX đang triển khai thử nghiệm sản phẩm cá tép dầu nguyên con và cá ngão rút xương. Quy trình làm cá tép dầu nguyên con gần giống với cá tép dầu mổ lưng. Riêng sản phẩm cá ngão yêu cầu khắt khe hơn về khâu bảo quản, bởi loại cá này dày thịt, dễ bị ẩm mốc. Vì vậy, các thành viên đã bàn bạc và thống nhất chia cá thành từng miếng nhỏ, đóng túi hút chân không thay việc để cả con và đóng gói bằng ni lông như cũ. Với cách chế biến đa dạng, vừa có thể nướng, chiên ròn hoặc rang chua ngọt mà vẫn giữ được mùi vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng, nên sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Từ năm 2019 đến nay, HTX đã xuất bán 2,4 tấn cá tép dầu nguyên con và cá ngão, với giá bình quân 250 nghìn đồng/kg.
Chia sẻ với chúng tôi về hướng hoạt động trong thời gian tới, chị Đinh Thị Yến cho biết thêm: Được huyện hỗ trợ 600 triệu đồng, HTX đang tiến hành thi công xây dựng nhà xưởng sơ chế cá rộng 300 m² tại xã Mường Giàng; trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với HTX Hợp Lực, HTX An Bình (Quỳnh Nhai) để bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi, đánh bắt thủy sản trong huyện, đồng thời thực hiện tốt công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường... góp phần từng bước khẳng định thương hiệu cá sông Đà.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!