Hội Nông dân xã Chiềng Bằng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Bám sát nhiệm vụ, chức năng của tổ chức Hội, thời gian qua, Hội Nông dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

 

Nông dân bản Bung Én, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) phát triển nghề nuôi cá lồng.

Hội Nông dân xã Chiềng Bằng hiện có 1.282 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội. Khai thác thế mạnh về diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La, Hội đã vận động hội viên phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đồng thời, tư vấn cho hội viên lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với trình độ thâm canh và điều kiện kinh tế của hội viên. Để hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, năm 2019, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, trong đó tập trung hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi. Hội còn nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 3,8 tỷ đồng cho 109 hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế; tiếp nhận, quản lý hiệu quả 200 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho 10 hội viên vay đầu tư chăn nuôi gia súc.

Được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tạo điều kiện vay vốn, nhiều hội viên đã đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Qua đánh giá, năm 2019, toàn xã có 126 hộ nông dân đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 1 hộ cấp Trung ương, 9 hộ cấp tỉnh, 38 hộ cấp huyện, 78 hộ cấp xã. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng của ông Lềm Văn Sơn, Lò Văn Khặn (bản Bung Én), thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc của hội viên Lò Văn Nhớ, Quàng Văn Họp (bản Ngáy), thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm…

Tìm hiểu về cách phát kinh tế của hội viên, chúng tôi được Hội Nông dân xã giới thiệu đến thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Lềm Văn Sơn, Chi hội Nông dân bản Bung Én. Qua câu chuyện với ông Sơn được biết, từ mô hình được Nhà nước đầu tư năm 2010 và sự hỗ trợ của Hội Nông dân, gia đình ông và các hộ dân trong bản đã phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Hiện gia đình ông Sơn có 16 lồng cá, thu trên 300 triệu đồng/năm.

Còn hội viên Quàng Văn Họp, Chi hội Nông dân bản Ngáy, lại phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Ông Họp chia sẻ: Để phát triển kinh tế gia đình, tôi đã học hỏi cách làm từ các mô hình đi trước đạt hiệu quả. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện gia đình tôi có 6 con bò, 2 con trâu, gần 1 ha cây ăn quả các loại, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ với chúng tôi về nhiệm vụ của Hội trong thời gian tới, ông Lù Văn Cư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Bằng, cho biết: Hội tiếp tục vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; ký kết với các doanh nghiệp trong huyện cung ứng giống, vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho nông dân.

Với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Chiềng Bằng đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong cách nghĩ, cách làm của hội viên, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần làm cho diện mạo nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới