Nhắc đến anh Lò Văn Bình, bản Ba Nhất, người dân ở xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) ai cũng biết. Bởi anh không những là đảng viên trẻ nhiệt huyết, là Trưởng bản uy tín, trách nhiệm, được dân tin, dân quý, mà còn là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản An Bình năng động, giúp các thành viên vươn lên làm giàu trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lò Văn Bình, bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).
Anh Lò Văn Bình sinh năm 1984. Năm 2008, thực hiện chủ trương nhường đất xây dựng công trình thủy điện Sơn La, gia đình anh Bình cùng nhiều hộ dân khác trong bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng, di dời đến bản Ba Nhất (được sáp nhập từ 3 bản Hủa Púa, Huổi Pay, Huổi Cuổi vào tháng 3/2019), xã Chiềng Bằng tái định cư. Anh Bình kể: Ở quê cũ, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa nước, ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, cuộc sống chỉ đủ ăn, đủ mặc. Chuyển đến nơi ở mới, năm 2012, được huyện hỗ trợ, gia đình tôi nuôi thử nghiệm 1 lồng cá đầu tiên. Thời điểm đó, lồng cá làm bằng tre đơn giản, thức ăn chủ yếu từ các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn, sản lượng cá đạt từ 2-3 tạ/lồng/năm, thu được 18 triệu đồng/lồng/năm. Thấy hiệu quả, gia đình tôi mở rộng quy mô nuôi thêm 4 lồng cá và đầu tư 4 cái vó và lưới bát quái để đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, gia đình tôi có 25 lồng cá, sản lượng đạt hơn 12 tấn/năm, thu nhập trung bình đạt 180 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn đánh bắt thủy sản trên lòng hồ được khoảng 30 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng cỏ, nuôi nhốt chuồng 9 con bò, mỗi năm xuất bán 1-2 con. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình trên 230 triệu đồng/năm.
Dẫn tôi thăm khu nuôi cá lồng của gia đình với những lồng cá làm bằng sắt, lưới quây chắc chắn, được gia đình vệ sinh sạch sẽ, với nhiều loại cá khác nhau như trắm, chép, rô phi... Qua câu chuyện với anh Bình, được biết: Năm 2011, anh Bình được kết nạp vào Đảng, đến năm 2016, anh được người dân trong bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản và được đảng viên trong Chi bộ bầu là Phó Bí thư chi bộ bản. Sau khi tiếp thu các chủ trương, chính sách của huyện, tỉnh tại các cuộc họp tại xã, anh Bình đã triển khai đến các đảng viên và nhân dân, nhất là chủ trương khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi cá lồng. Để liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, anh Bình giải thích cho người dân về lợi ích khi thành lập HTX, đó là: Sản xuất tập trung với quy mô lớn để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm cá lồng; được Nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật nuôi cá; được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất... Nhờ vậy năm 2016, HTX Thủy sản An Bình được thành lập, với 12 thành viên, quy mô 21 lồng cá, đến nay tăng lên 18 thành viên, với 250 lồng cá.
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX đã được hỗ trợ làm lồng lưới, khung sắt theo Nghị quyết 88/2014/NQ-HĐND tỉnh ngày 17/9/2014 về ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020; được Liên minh HTX tỉnh cho vay 200 triệu đồng để đầu tư thuyền bè, cá giống, thức ăn cho đàn cá nuôi... 8 thành viên của HTX vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng quy mô phát triển nuôi cá lồng. Với mục tiêu, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cá của HTX, anh Bình và các thành viên đã chủ động tìm hiểu, học hỏi cách thức nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tham quan mô hình phát triển nuôi cá lồng do huyện, tỉnh tổ chức. Định kỳ mỗi tháng 1 lần, anh Bình tổ chức họp các thành viên để trao đổi kinh nghiệm sản xuất... Nhờ vậy, năm 2017, sản phẩm cá của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, HTX chủ yếu nuôi các loại cá rô phi, chép, trắm, lăng... sản xuất cá giống để các thành viên có nguồn cá giống đảm bảo chất lượng và bán cho các HTX, người dân trong xã có nhu cầu. Hằng năm, sản lượng cá thương phẩm của HTX đạt 3-5 tạ cá/lồng; sản lượng cá giống bán ra đạt 5 tạ/năm, được bán ra thị trường trong huyện, thành phố Sơn La, tỉnh Điện Biên... Thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/thành viên/tháng.
Bên cạnh quản lý tốt hoạt động của HTX, anh Bình luôn gương mẫu, trách nhiệm trong hoạt động của bản. Anh và Ban Quản lý bản thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là tận dụng lợi thế vùng lòng hồ để phát triển nghề nuôi cá lồng... Đến nay, toàn bản có 5 HTX thủy sản, với 700 lồng cá. Ngoài ra, hằng năm canh tác 36 ha sắn, 5 ha cây ăn quả, trồng gần 8 ha cỏ voi, chăn nuôi 560 trâu, bò, hơn 2.000 con lợn trên 2 tháng tuổi và 10.000 con gia cầm. Anh Bình còn tham mưu cho Chi bộ, Ban Quản lý bản trồng thử nghiệm mô hình trồng cây lấy gỗ như xoan, tếch... trên diện tích 5% đất cộng đồng của bản, với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn của bản. Với ý nghĩa thiết thực đó, mô hình nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong bản.
Cùng với đó, anh Bình cùng Ban Quản lý bản đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thu hút người dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường. Đồng thời, bản còn duy trì và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong trào thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Từ năm 2017-2019, bản được công nhận là bản văn hóa; 87% số hộ đạt gia đình văn hóa; thu nhập bình quân từ 29-34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm còn 3,3%.
Sự tận tâm, trách nhiệm trong các hoạt động của bản, của HTX, năng động trong phát triển kinh tế, đảng viên 8X Lò Văn Bình là tấm gương sáng cho người dân trong bản, trong xã vùng hồ Chiềng Bằng học tập và làm theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!