Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) đã tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao, bước đầu mang lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Anh Hoàng Văn Thường, bản Huổi Ná, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) chăm sóc vườn xoài của gia đình.
Trao đổi với ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn, được biết: Những năm gần đây, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các cơ sở cung cấp cây giống chất lượng; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông về các bản hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài huyện... Hiện nay, toàn xã có trên 167 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài, vải, bưởi... trong đó, trên 150 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn quả các loại/năm.
Diện tích cây ăn quả của xã Chiềng Ơn tập trung chủ yếu ở các bản: Bình Yên, Huổi Ná, Đồng Tâm. Đây là những địa bàn có lợi thế về đất đai, nguồn nước tương đối ổn định. Sau khi ghép 2-3 năm, các vườn nhãn chín muộn, xoài ghép bắt đầu cho thu hoạch quả. Đặc biệt, một số hộ dân có vườn cây ăn quả rộng từ 1-3 ha; nhiều hộ dân thoát nghèo từ cây ăn quả, như gia đình các ông: Hoàng Văn Bun, Hoàng Văn Chương, bản Huổi Ná, Lò Văn Vĩnh, bản Đán Đăm...
Điển hình về phát triển cây ăn quả ở xã là gia đình ông Lò Văn Minh, bản Xe. Trước đây, vườn nhãn của gia đình ông ít được đầu tư chăm sóc, nên năng suất không cao. Qua tìm hiểu và đi tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả đạt hiệu quả tại một số huyện trong tỉnh, ông Minh đã quyết định cải tạo vườn cây bằng ghép nhãn chín muộn. Ban đầu, gia đình ông ghép 50 gốc nhãn và thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn cây phát triển tốt, năm sau cho thu hoạch gần 5 tấn, chất lượng sản phẩm quả nhãn đạt cao. Kết quả đó đã khích lệ ông mở rộng vườn nhãn ghép thêm 0,6 ha. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng thử nghiệm táo lai và xoài Đài Loan xen cây cà phê trên đất dốc, hiện cây đang phát triển tốt, chuẩn bị ra quả bói. Vụ năm 2020, gia đình ông Minh thu hoạch gần 10 tấn quả nhãn, thu gần 150 triệu đồng.
Còn gia đình anh Hoàng Văn Thường, bản Huổi Ná, năm 2016 chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Thời gian đầu, gia đình trồng thử nghiệm 130 gốc xoài Đài Loan, sau một năm cây bắt đầu ra quả bói, thu được hơn 2 tấn quả. Anh Thường cho biết: Được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã cải tạo vườn và mua cây giống. Trong quá trình chăm sóc vườn xoài, tôi đã áp dụng quy trình kỹ thuật được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nên cây phát triển tốt. Gia đình tôi đã mở rộng quy mô vườn lên 1 ha và trồng thêm gần 300 gốc bưởi da xanh, hiện nay vườn bưởi đang phát triển tốt, dự kiến năm 2021 sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm chanh leo, ổi và dứa. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả ở Chiềng Ơn đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân chuyển đổi tập quán sản xuất lạc hậu và có thu nhập khá. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng diện tích trồng cây ăn quả, nhất là trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!