Chiềng Ơn chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) là xã di vén lòng hồ thủy điện Sơn La, diện tích đất sản xuất hạn chế, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khai thác diện tích mặt nước lòng hồ phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 

Nông dân bản Xe, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

 

Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND xã thông tin: Xã có 6 bản, với  643 hộ dân. Để ổn định đời sống người dân sau tái định cư, xã đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con giảm dần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị cao và vận động nhân dân liên kết thành lập HTX thủy sản theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn còn 11%.

 

Hằng năm, nhân dân trong xã gieo trồng gần 800 ha cây lương thực; chăm sóc 154 ha cây ăn quả, 6 ha cây công nghiệp; khoanh nuôi, bảo vệ hơn 5.500 ha rừng; duy trì 11 HTX thủy sản, với 1.481 lồng cá, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt gần 200 tấn/năm. Ngoài ra, duy trì trên 16.400 con gia súc, gia cầm. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng ở bản Xe; trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc kết hợp nuôi cá lồng ở bản Huổi Ná; chăn nuôi gia súc ở bản Đắn Đăm.

 

Chúng tôi về bản Huổi Ná để hiểu hơn về cách làm kinh tế của người dân. Trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Hoàng Văn Bun, Trưởng bản chia sẻ: Bản có 110 hộ, trong đó chỉ còn 8 hộ nghèo. Trong phát triển kinh tế, bà con tập trung chuyển diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; phát triển nuôi cá lồng. Năm 2019, bản được huyện hỗ trợ trồng 54 ha cây xoài dọc lòng hồ thủy điện Sơn La; hiện cả bản đã có hơn 70 ha cây ăn quả; duy trì 28 lồng cá; gần 1.000 con gia súc, gia cầm, thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

 

Rời bản Huổi Ná, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lù Văn Đỉnh, ở bản Xe. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng, năm 2012, anh vay 35 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu tư nuôi 3 lồng cá. Đến nay, gia đình anh có 18 lồng cá, trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Đỉnh cho biết: Để tạo sự liên kết trong sản xuất, năm 2016, tôi vận động một số hộ dân trong xã thành lập HTX thủy sản Trường Đỉnh, HTX hiện có 12 thành viên, với 96 lồng cá; thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/thành viên/tháng.

 

Được biết, xã Chiềng Ơn được huyện Quỳnh Nhai chọn xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Hiện xã đang tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt; triển khai các giải pháp thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Cùng với việc huy động nội lực, xã rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông, nhà văn hóa các bản để phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới