Nhận thức rõ vai trò của kinh tế hộ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, để nâng cao thu nhập.
Người dân xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) phát triển kinh doanh dịch vụ.
Chiềng Khoang có 3 dân tộc Thái, Kinh, Mông, với hơn 1.600 hộ dân, sinh sống ở 11 bản. Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Lò Văn Thong, bản He, xã Chiềng Khoang. Qua chia sẻ của ông Thong được biết, trước kia gia đình thu nhập chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. Sau nhiều năm canh tác, đất bạc màu, năng suất thấp. Năm 2015, được tham gia lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật ở xã, ông mạnh dạn chuyển gần 1 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng nhãn ghép giống miền thiết và vải thiều, kết hợp đào 600 m² ao thả cá, bán hàng tạp hóa, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Trên cơ sở tư vấn, định hướng của xã, nhiều hộ đã chủ động xây dựng mô hình kinh tế bước đầu mang lại thu nhập cao, như: Chăn nuôi trâu bò, kết hợp đào ao thả cá của ông Tòng Văn Du, Cà Văn Pó, bản Nà Pát cho thu nhập trên 100 triệu/năm; trồng chè, cà phê, nuôi gà thả vườn của ông Cà Văn Thành, bản Hua Lỷ, thu nhập 200 triệu đồng/năm; chăn nuôi gia súc, làm đệm truyền thống của bà Cà Thị Họa, ông Lò Văn Chiêu, bản Đông thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm...
Ở Chiềng Khoang, chăn nuôi gia súc hiện đang là thế mạnh. Từ năm 2012 đến nay, xã được hỗ trợ hơn 1.500 con bò giống theo Chương trình 30a. Duy trì và phát triển đàn gia súc, xã chủ động triển khai đồng bộ việc phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét phù hợp với từng vùng; riêng đối với các bản vùng cao, mùa đông thời tiết khắc nghiệt, tuyên truyền bà con đưa trâu bò vào chuồng nuôi nhốt, chủ động giữ ấm, dự trữ thức ăn. Đến nay, toàn xã có 647 con trâu, hơn 2.500 con bò, 739 con dê và trên 52.000 con gia cầm các loại; duy trì 155 ha cỏ voi, đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Cùng với đó, bà con còn tập trung chăm sóc 117 ha cây cà phê, 20 ha cây chè và gần 120 ha cây ăn quả các loại.
Gia đình bà Cà Thị Họa, bản Đông, tập trung phát triển nghề làm đệm truyền thống, bà Họa cho biết: Gia đình tôi làm đệm bông lau truyền thống của người Thái đã nhiều năm, các sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Nhờ phát triển nghề truyền thống mà gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả; thu nhập bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Kinh tế hộ gia đình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nền tảng cho kinh tế của xã phát triển. Đó là đánh giá của ông Lò Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã. Những năm qua, xã tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân lựa chọn, xây dựng mô hình kinh tế và duy trì phát triển nghề truyền thống. Tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ người dân con giống, cây trồng; chỉ đạo tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Nhờ đó, xã Chiềng Khoang đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của nhân dân được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi là cơ sở, tiền đề cho xã xây dựng nông thôn mới nâng cao theo lộ trình đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!