Nỗ lực triển khai thực hiện nội dung bản cam kết “5 có, 5 không”, đời sống đồng bào dân tộc Mông ở huyện Quỳnh Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực, các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, nhân dân đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; hủ tục, mê tín dị đoan được loại bỏ...
Mô hình trồng cây sa nhân của bà con dân tộc Mông bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng cho hiệu quả cao.
Quỳnh Nhai hiện có 11 xã, thì 6 xã có đông đồng bào dân tộc Mông thuộc 14 dòng họ sinh sống. Để nội dung bản cam kết “5 có, 5 không” đi vào cuộc sống, ngay sau khi tiếp thu nội dung này tại Hội nghị của tỉnh, Ban Thường vụ huyện ủy đã tổ chức quán triệt đến 117 bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, những người có uy tín tại các bản đồng bào dân tộc Mông. Sau đó, tất cả các bản, dòng họ đều triển khai nội dung và ký cam kết thực hiện. Trong quá trình triển khai, phát huy mạnh mẽ vai trò của bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông, vận động thực hiện các nội dung: Không thách cưới bạc trắng; không để người chết lâu ngày trong nhà, khi chôn cất phải để trong áo quan; không tảo hôn; không học và truyền đạo trái pháp luật; không tái trồng cây thuốc phiện; không du canh du cư...
Một trong những nội dung quan trọng của “5 có” được bà con thực hiện hiệu quả, đó là đổi mới tập quán sản xuất; lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá... Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao được đồng bào nhân rộng như: Mô hình trồng chè của gia đình ông Mùa A Tủa (bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang); mô hình trồng cây sơn tra của ông Giàng A Tạo (bản Khâu Pùm, xã Chiềng Khay); chăn nuôi trâu, bò, dê của ông Lý Sáy Sinh (bản Kéo Ca, xã Mường Giôn)...
Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới cũng được đồng bào dân tộc Mông kết hợp tốt giữa nét văn hóa truyền thống với hiện đại, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, đúng quy ước, hương ước của bản. Giờ đây, không còn tình trạng ép hôn, tảo hôn, lấy vợ lẽ, thách cưới bằng bạc trắng; tục bắt vợ, ép cưới đã chấm dứt. Ông Giàng A Sồng, Trưởng bản Kéo Ca (xã Mường Giôn) cho hay: Trước đây con cái chỉ 13, 14 tuổi đã được bố mẹ cho lấy vợ, gả chồng; thách cưới từ 20 đến 30 đồng bạc trắng; mỗi cặp vợ chồng thường sinh từ 5 con trở lên, vì cho rằng phải có nhiều con để có người làm nương rẫy. Từ khi thực hiện nội dung bản cam kết “5 có, 5 không”, người Mông các dòng họ trong bản đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước của bản, không tảo hôn; lấy vợ, gả chồng không thách bạc trắng hoặc lấy nhiều tiền...
Để các bản phát triển toàn diện, cùng với sự nỗ lực của người dân, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, dự án giảm nghèo, hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi; xây dựng các công trình giao thông, trạm y tế... Đến nay, 100% số bản trong vùng đồng bào dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm xã; 91,3% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 55% số bản được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% bản có lớp học và nhà ở cho giáo viên; 100% số xã có điểm bưu điện - văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; công tác phòng bệnh, chữa bệnh được quan tâm, chú trọng thực hiện tốt..., góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!