Ngày 19/12, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố chính thức kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng liên quan tới những cáo buộc về vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Liên minh châu Âu gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. (Ảnh: PressTV)
Tuyên bố của 28 nước thành viên EU nêu rõ: “Ngày 19/12/2016, Hội đồng EU đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số lĩnh vực cụ thể trong nền kinh tế Nga cho tới ngày 31/7/2017”. Tuyên bố trên nêu rõ, EU sẽ hạn chế quyền tiếp cận các thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp đối với 5 thể chế tài chính lớn thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nga, cùng các chi nhánh lớn của các công ty này ở ngoài khối EU và 6 công ty năng lượng, quốc phòng khác của Nga.
Ngoài ra, các nước EU cũng hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với một số công nghệ, dịch vụ “được cho là nhạy cảm”, có thể sử dụng trong lĩnh vực sản xuất và khai thác dầu mỏ. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của EU còn cấm các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, đồng thời cấm xuất khẩu hàng hóa ứng dụng kép (trong cả lĩnh vực thương mại và quân sự) sang thị trường Nga.
Trước đó, ngày 15/12, các nhà lãnh đạo của 28 nước thành viên EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) và thông qua quyết định tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, xem đây là một bước đi nhằm duy trì sức ép của liên minh này để hối thúc Moscow “tôn trọng lệnh ngừng bắn vốn rất mong manh tại miền Đông Ukraine”.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/12, đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizkov nêu rõ, Brussels không đủ quyết tâm chính trị để chấm dứt áp đặt trừng phạt Nga cho dù ngày càng có nhiều công dân, gồm cả các nhà lãnh đạo EU nhận thức được “sự phi lý” của các biện pháp này.
Hiện EU đang áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số cá nhân, thực thể Nga và Ukraine trước cáo buộc kích động cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Theo dự kiến, các biện pháp trừng phạt này sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2017. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt tương tự được liên minh này đưa ra sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 cũng dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 5/2017.
Ngay sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, chính phủ Nga đã có những động thái đáp trả khiến mối quan hệ giữa nước này với phương Tây trở nên căng thẳng. Điều đáng nói là trạng thái căng thẳng này chưa từng được hạ nhiệt khi EU đã nhiều lần quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga ngay từ trước thời điểm hết hiệu lực.
Tháng 3/2015, Nga đã áp đặt lệnh trừng phạt gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với hơn 200 cá nhân nước ngoài nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong tuyên bố đưa ra vào tuần trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định Moscow sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận thực phẩm nhằm đáp trả sức ép trừng phạt của phương Tây.
Xung đột vũ trang bắt đầu bùng phát sau khi chính quyền Kiev phát động chiến dịch trấn áp lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine vào tháng 4/2014. Chính phủ Ukraine và một số nước phương Tây cáo buộc Nga có vai trò hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy miền Đông Ukraine và “tiếp thêm lửa” cho cuộc khủng hoảng tại khu vực này. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!