Xuân Lao Khô

Con đường trải nhựa ngoằn ngoèo uốn lượn quanh các dãy núi dẫn chúng tôi đến Lao Khô, nơi có rất đông đồng bào dân tộc Mông thật thà, chất phác, sống an nhiên nơi biên giới của Tổ quốc. Nắng sớm len lỏi qua khe núi óng ả như tơ lụa, những nóc nhà rêu phong của đồng bào Mông hai bên đường, những cành đào mốc lẩn khuất sau làn sương sớm đang bật lên những nụ chúm chím hồng. Xa xa vọng về tiếng sáo mèo véo von, tha thiết như gọi mời. Nơi đây đã hiện hữu sắc xuân.

 

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Chiềng On (Yên Châu) cùng dân bản Lao Khô giã bánh dày.

 

Kết thúc một năm miệt mài trên nương rẫy, người Mông ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) đang rộn ràng đón xuân mới với niềm vui và niềm tin vào một năm mới ấm no. Đường vào bản đã được rải nhựa, điện lưới đã kéo về bản, lớp học được xây dựng kiên cố, cuộc sống của người dân vùng biên ải đang từng ngày được cải thiện... Điều đó đã khiến chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở nơi đây. Đón chúng tôi là già làng Tráng Lao Lử và Trưởng bản Tráng Lao Khai. Sau mấy câu thăm hỏi, già Lử mời chúng tôi cùng tham gia giã bánh dày với dân bản. Tráng Lao Khai nhanh nhảu khoe: Cả bản có 224 hộ, 602 nhân khẩu. Người dân ở đây luôn chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng KHKT vào sản xuất. Vì thế mà bây giờ dân bản có cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều, giờ chỉ còn gần 40 hộ nghèo thôi. Bản có 8 km đường biên giới giáp với huyện Xiềng Khọ (tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào), năm nào cũng vậy, Lao Khô luôn tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ cùng với nhân dân nước bạn Lào. Dân bản chúng tôi sống hòa thuận lắm, không ai bảo ai, nhưng mỗi người dân đều dạy dỗ con cái mình biết trân trọng tình đoàn kết, tự hào truyền thống lịch sử của cha ông để lại.

 

Lao Khô bây giờ khác hẳn với mấy năm về trước. Bà con hiện trồng trên 50 ha mận hậu, 40 ha chanh leo, 50 ha ngô, chăn nuôi hàng trăm con đại gia súc. Năm nay, cây ăn quả được mùa, được giá, lại có đường vào thuận tiện nên thương lái vào tận nơi mua, bà con phấn khởi lắm. Nhờ bảo vệ tốt trên 600 ha rừng nên bản được chi trả hơn 100 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, ban quản lý bản quyết định sẽ mổ lợn để cả bản ăn mừng. Trong bữa cơm thân mật tại nhà Trưởng bản, cái lạnh như cắt của vùng biên như được xua tan bởi câu chuyện của già Lử, cùng ánh lửa hồng và chén rượu ngô ấm nồng. Thấy con cháu hòa thuận, làm ăn khấm khá, già Lử vui lắm. Nhưng vui hơn cả là Lao Khô được đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử đặc biệt Việt Nam - Lào, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan. Khu di tích cũng gắn liền với cái tên của bản.

 

Mặc dù đã 82 tuổi, nhưng già Lử không quên được câu chuyện mà người cha đã khuất để lại cho con cháu. Vừa nhấp ngụm rượu, già Lử kể: Tên bản Lao Khô chính là tên của cụ Tráng Lao Khô, cụ thân sinh ra tôi đấy, trước kia có tên là Phiêng Sa. Bản là nơi ghi đậm dấu ấn của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, cùng Ban xung phong Lào - Bắc đã hoạt động cách mạng vào những năm 1948 đến năm 1950, được cụ Tráng Lao Khô cùng bà con nhân dân bản cưu mang, giúp đỡ hoạt động, xây dựng căn cứ địa của cách mạng Lào. Sau này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trở thành Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào. Sở dĩ ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản chọn Lao Khô làm khu căn cứ là vì nơi này có địa hình hiểm trở, nhiều hang động. Năm 1948, ông đã chọn hang Thẩm Mế làm nơi hoạt động, huấn luyện quân sự, đây cũng là nơi tiền thân của Quân đội nhân dân Lào. Cũng trong thời gian này, ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà cụ Lao Khô, được gia đình cụ nhận làm con nuôi. Nhiều lần gặp nguy hiểm, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm của cụ Lao Khô nên ông Cay-xỏn và đoàn cán bộ của Ban luôn được an toàn.

 

Cuộc cách mạng thành công, từ ngày đó đến nay, tình bạn keo sơn giữa hai bên biên giới luôn được gắn chặt. Năm 1990, ông Lao Khô qua đời, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã viết thư chia buồn với gia đình kèm theo 20m vải và 50.000 đồng gửi Đại sứ quán Lào tại Hà Nội. Ngày ấy, đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư tỉnh ủy (nay là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội) đã trực tiếp cầm thư và đồ viếng đến chia buồn với gia đình. Về sau này, đích thân phu nhân cùng con trai của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã sang thăm và tặng gia đình ông Lử chiếc tivi, cùng ôn lại những kỷ niệm về tình anh em, tình đồng chí giữa cụ Lao Khô và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Đó không phải chuyến viếng thăm mang tính chất ngoại giao mà thực sự là một gia đình, một tình cảm chân tình mà không ngòi bút nào tả hết được. Một câu chuyện đẹp và lạ như huyền thoại được người dân Lao Khô luôn gìn giữ đến tận bây giờ. Người dân Lao Khô có quyền tự hào về truyền thống yêu nước bất khuất kiên cường của cha ông và họ đã và đang chung sức xây dựng vùng đất cách mạng xứng đáng với truyền thống ngày càng vững mạnh, bảo vệ vùng biên giới bình yên, hữu nghị.

 

Chia tay Lao Khô, âm thanh của tiếng khèn, tiếng sáo mèo như lưu luyến, tạm xa sắc đào, sắc mơ thắm cả một vùng núi non trùng điệp. Bất cứ ai đến với Lao Khô mùa này đều được đắm mình trong không khí vui xuân, được thưởng thức cái say nồng của men rượu, cùng sự mến khách nồng hậu của người dân nơi rẻo cao biên giới Việt – Lào.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới