Ứng dụng hiệu quả các tiện ích của Đề án 06 trên các lĩnh vực đời sống xã hội, Công an tỉnh đã triển khai mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Sau 3 tháng triển khai, phần mềm ASM đã phát huy được hiệu quả, mang lại nhiều tiện ích, rút ngắn thời gian thông báo lưu trú cho người dân.
Phần mềm ASM được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an triển khai từ ngày 27/2/2023, kết nối với hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phát triển ứng dụng của thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú là mô hình thứ 9 trong 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, các cơ sở kinh doanh lưu trú có thể sử dụng tài khoản VNeID quét mã cho khách hàng phục vụ kê khai thông tin tự động mà không cần phải xuất trình các loại giấy tờ để xác định thông tin cá nhân.
Đại tá Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Công an tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố triển khai sử dụng phần mềm khai báo lưu trú ASM; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm cho các cơ sở kinh doanh lưu trú tại 3 địa bàn có số lượng cơ sở lưu trú lớn là Thành phố, Mai Sơn, Mộc Châu. Đồng thời, cung cấp tài liệu để Công an huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở lưu trú thực hiện. Qua thời gian triển khai, toàn tỉnh đã có 104 cơ sở triển khai sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM.
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, sau khi được thăm khám, các bệnh nhân có nhu cầu ở lại lưu trú để tiếp tục điều trị được cán bộ y tế nhập thông tin một cách nhanh chóng qua phần mềm quản lý lưu trú ASM, được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị cũng như người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Điều dưỡng trưởng, Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh, chia sẻ: Khi chưa có phần mềm lưu trú, chúng tôi phải nhập thủ công từng tên bệnh nhân, từng địa chỉ và số căn cước, nên gặp khó khăn vì nếu nhập không đúng thì phải nhập lại từ đầu. Từ khi triển khai phần mềm ASM có đầu đọc thẻ, chúng tôi thấy có rất nhiều thuận lợi trong công tác khai báo lưu trú, giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ.
Sau 3 tháng triển khai, đến nay, 100% nhân viên của Khách sạn Sao Xanh 3 đã sử dụng phần mềm ASM một cách thuần thục. Ông Phan Thành Lâm, Giám đốc Khách sạn, chia sẻ: Trước đây, khi khách đến lưu trú chúng tôi phải nhập thủ công thông tin của công dân và hằng ngày đến trực tiếp cơ quan Công an để thông báo lưu trú, thì nay khách hàng chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip, nhân viên lễ tân quét mã QR, dữ liệu sẽ được điền tự động vào hệ thống. Việc check-in nhận phòng, thông báo lưu trú cho khách được rút ngắn thời gian; có độ chính xác cao, giảm sai sót trong cập nhật thông tin và tiết kiệm nhân lực để bố trí nhập dữ liệu đầu vào.
Theo đánh giá, phần mềm ASM giúp các cơ sở lưu trú cập nhật thông tin đăng ký lưu trú của khách tự động thông qua việc quét mã QR thẻ CCCD gắn chíp, giảm thời gian nhập liệu, đồng thời thiết lập chế độ tự động gửi thông báo lưu trú về cơ quan Công an nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện thủ tục thông báo lưu trú theo đúng quy định của pháp luật về cư trú. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện phần mềm còn giúp cơ quan Công an nắm bắt kịp thời, đầy đủ biến động dân cư, khách lưu trú tại các cơ sở trên địa bàn phục vụ công tác quản lý; đồng thời tổ chức các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phát hiện, truy bắt các diện đối tượng truy nã, truy tìm, đối tượng trong diện quản lý hoạt động lưu động tại các địa bàn…
Tuy nhiên, toàn tỉnh còn nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ lẻ do cá nhân, hộ gia đình quản lý, sử dụng nhà ở sẵn có để kinh doanh, lưu lượng khách lưu trú thấp nên chưa có điều kiện hoặc nhu mua sắm máy tính, thiết bị đọc mã QR thẻ CCCD để thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm; một số chủ cơ sở lưu trú là người cao tuổi nên khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ còn hạn chế. Việc chấp hành quy định về thông báo lưu trú của một bộ phận cơ sở kinh doanh lưu trú còn chưa tốt; nhiều trường hợp khách đến lưu trú chưa được quản lý, thông báo với cơ quan Công an tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng hoạt động lưu động.
Thượng tá Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo Công an cơ sở trực tiếp hỗ trợ chủ cơ sở, nhân viên trong cơ sở thực hiện việc đăng ký, cấp tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý lưu trú, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn phụ trách.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú đã góp phần việc thực tốt công tác thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!