Ngày 26/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Sơn La, là dấu mốc lịch sử về sự thống nhất các đội vũ trang ở các châu, mường thành lực lượng vũ trang Sơn La. 72 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, LLVT Sơn La luôn phát huy truyền thống cách mạnh, ngày càng lớn mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Giờ luyện tập của chiến sỹ trinh sát Bộ CHQS tỉnh.
Với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới, Sơn La có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Ngày 3/12/1887, thực dân Pháp đánh chiếm Sơn La và duy trì bộ máy chính quyền phong kiến địa phương làm tay sai. Năm 1908, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù ngay tại tỉnh lỵ, năm 1930, chúng đưa những chiến sĩ cộng sản bị bắt lên giam giữ tại đây và đổi tên Nhà tù Sơn La thành Nhà ngục Sơn La. Tháng 12/1939, các đồng chí đảng viên trong Nhà ngục Sơn La đã bí mật họp và thành lập Chi bộ lâm thời. Tháng 2/1940, Chi bộ chuyển thành chính thức, đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào cách mạng ở Sơn La. Đầu năm 1943, Chi bộ Nhà ngục Sơn La đã bí mật tổ chức cơ sở cách mạng đầu tiên ở Sơn La đó là “Mú nóm chất mương” (thanh niên cứu quốc) gồm hai tổ: tổ thanh niên cứu quốc ở tỉnh lỵ do đồng chí Chu Văn Thịnh phụ trách; tổ thanh niên cứu quốc Mường La do đồng chí Cầm Văn Thịnh phụ trách. Cùng với đó, Đội tự vệ du kích vũ trang đầu tiên được thành lập ở Mường Chanh do đồng chí Cầm Vĩnh Tri chỉ huy đã khẳng định thêm bước trưởng thành phong trào cách mạng, đặt nền móng cho sự ra đời hình thức đấu tranh vũ trang của quần chúng ở Sơn La thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Với sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang, bán vũ trang với lực lượng chính trị quần chúng, khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở Phù Yên, Mường Chanh, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu... Tại tỉnh lỵ, Nhật đã đầu hàng đồng minh và các cuộc khởi nghĩa ở các châu, mường thắng lợi làm tan rã bộ máy tay sai Nhật, nhưng trên đồi Khau Cả, quân đội Nhật vẫn còn một đại đội đóng ở tòa chánh sứ, một đại đội bảo an đóng ở tòa giám binh, chúng vẫn làm chủ tỉnh lỵ. Ngày 23/8/1945, quân khởi nghĩa đã tập trung lực lượng vũ trang Mường La bao vây đồi Khau Cả. Tiếp đó, quân khởi nghĩa và lực lượng vũ trang từ Mường Chanh theo đường Hua La tiến vào, chia thành nhiều mũi tiến công, bao vây tất cả các ngả đường và những mục tiêu quan trọng ở tỉnh lỵ. Trước sức mạnh của quân khởi nghĩa, ngày 25/8/1945, ông Lò Văn Mười, Trưởng Bảo an ninh được ta giác ngộ, cảm hóa từ trước đã mở cửa trại xin hàng, trao Trại Bảo an cho ta, giải tán binh lính. Thấy đơn vị Bảo an đầu hàng, bọn chỉ huy Nhật cũng phải đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí và rút về Hà Nội ngay đêm hôm đó. Ngày 26/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Sơn La, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về sự thống nhất lực lượng, sự hợp nhất của các đội vũ trang ở các châu, mường thành lực lượng vũ trang Sơn La, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Việt Minh tỉnh Sơn La. Lực lượng vũ trang Sơn La tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, hàng vạn con em các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống người chiến sĩ Tây Bắc: “Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng”, LLVT Sơn La không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xây dựng vữngmạnh toàn diện, làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng lực lượng, hằng năm, trước và trong mỗi mùa huấn luyện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nắm vững phương châm, phương hướng, các chỉ thị, mệnh lệnh của trên, làm cơ sở vận dụng sáng tạo vào huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng tác chiến. Trong huấn luyện, đã chú trọng nâng cao trình độ làm chủ vũ khí, trang bị; thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình, kế hoạch, duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp canh, trực, hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả. Nhờ đó, quân số tham gia huấn luyện hằng năm đạt cao; trong đó, lực lượng thường trực đạt trên 98,83% (riêng hạ sĩ quan - binh sĩ đạt 100%); dân quân tự vệ đạt trên 99,2%; dự bị động viên trên 98,5%. Kết quả kiểm tra các khoa mục đều đạt khá, giỏi. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đạt 90% kế hoạch đề ra. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng trong xử lý những vấn đề ở cơ sở; phòng, chống tệ nạn xã hội, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy, truyền đạo trái pháp luật...
Công tác xây dựng lực lượng đảm bảo đúng quy định, kịp thời điều chỉnh tổ chức biên chế, quân số, phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của từng đơn vị. Việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo đảm tốt các bước, công bằng, dân chủ, công khai, đúng luật; chú trọng vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, những bản chưa có tổ chức đảng, chưa có hoặc ít đảng viên và những bản nhiều năm không có công dân nhập ngũ để tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức rộng khắp, vững mạnh; lực lượng dự bị động viên thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, làm tốt công tác đăng ký, quản lý, sắp xếp, quân số đạt 97,7%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt từ 75% đến 80%.
Những ngày qua, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn tiên phong, bất chấp hiểm nguy, gian khó, giúp bà con khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Mường La càng tô thắm thêm truyền thống của lực lượng vũ trang Sơn La, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!