Nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Cách đây gần nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại thắng mùa Xuân 1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.

Nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, ta đã tạo được ưu thế áp đảo địch về lực lượng. Ý định xây dựng các binh đoàn chiến lược lớn cho các đòn chiến lược Xuân 1975, trong đó có trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo triển khai sớm. Sau những thắng lợi từ hai đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng, với khí thế và quyết tâm rất cao, ta đã tập trung được lực lượng ưu thế hơn hẳn địch cả về số lượng và chất lượng, bằng cách nhanh chóng cơ động hầu hết lực lượng chủ lực từ miền Bắc, miền Trung vào địa bàn chiến dịch, tổ chức thành công nhiều binh đoàn chiến lược hành quân thần tốc đường dài, vừa đi, vừa chuẩn bị chiến đấu, vừa liên tục chiến đấu (Quân đoàn 1 hành quân 24 ngày, vượt 1.500km; Quân đoàn 2 vừa đi vừa tác chiến mở đường hơn 900km, Quân đoàn 3 liên tục tác chiến và hành quân hơn l.000km) đã vào tới chiến trường đúng ngày quy định (từ ngày 21 đến 25-4) cùng với Quân đoàn 4 và Đoàn 232 ở tại chỗ... Tính đến ngày 25-4-1975, ta đã tập trung cho chiến dịch được khoảng 270.000 quân (chủ lực 250.000 quân) với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh, tổ chức thành 4 quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương 1 quân đoàn), một số trung đoàn, lữ đoàn độc lập. Binh khí kỹ thuật cũng được ta tập trung khối lượng rất lớn với hơn 1.000 khẩu pháo các loại, 1 đại đội máy bay A-37; 320 xe tăng, thiết giáp...

       Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu 
       Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu 

Riêng về lực lượng quần chúng có tổ chức được chuẩn bị làm nòng cốt cho nổi dậy trong thành phố đến trước chiến dịch cũng khá hùng hậu. Ta đã tăng cường vào vùng ven và nội thành 1.700 cán bộ, tập kết cách nội đô 3-15km, chuẩn bị nhập thành l.300 cán bộ. Nội, ngoại thành Sài Gòn đã có hơn 1.200 đảng viên; 10.000 quần chúng nòng cốt, 40 “lõm chính trị” với 7.000 quần chúng làm chủ có mức độ, 400 tổ chức công khai “biến tướng” với gần 25.000 người do ta nắm. Cùng với đó, ta còn huy động được hơn 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải và một khối lượng vật chất lên tới gần 60.000 tấn, trong đó có 15.000 tấn đạn (190.000 viên đạn pháo lớn)...

Song song với việc tạo sức mạnh cho chiến dịch, ta tích cực làm giảm lực lượng địch bằng những đòn tiêu diệt lớn (trước đó) ở miền Trung, không cho địch co cụm; đồng thời, tích cực đánh vào dự trữ chiến lược địch, không cho chúng bổ sung, ứng cứu cho nhau... Thành công của nghệ thuật tập trung lực lượng ta, phá thế tập trung lực lượng của địch đã mang lại lợi thế lớn cho ta. Đến trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, địch đã bị thiệt hại tới 35% quân số, 40% hậu cần, 40% binh khí kỹ thuật; Đồng bằng sông Cửu Long là nơi dự trữ chiến lược của địch, nhưng chúng cũng không còn bắt được lính bổ sung; ta lại đẩy mạnh thực hiện chia cắt chiến lược, không cho địch tăng viện ứng cứu từ Đồng bằng sông Cửu Long về Sài Gòn. Đặc biệt, sau những thất bại có tính bước ngoặt về chiến lược ở Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng, đến ngày 25-4-1975, mặc dù địch ở Quân khu 3 cộng với tàn quân từ Quân khu 1 và Quân khu 2 chạy về còn rất đông, khoảng 245.000 tên (trong đó có 152.000 quân chủ lực), hơn 500.000 quân phòng vệ dân sự với 6 sư đoàn, 5 lữ đoàn (sau thành lập thêm 1 sư đoàn biệt động quân) và 407 khẩu pháo, 624 xe thiết giáp, 862 tàu, xuồng, 229 phi cơ chiến đấu, nhưng tinh thần chiến đấu đã suy sụp; số quân phòng vệ dân sự tuy còn đông nhưng hiệu lực tác chiến thấp.

So sánh về số lượng, nhất là về chất lượng, đặc biệt là về “quả đấm” chủ lực, rõ ràng ta có ưu thế áp đảo về lực lượng so với địch (tỷ lệ ta/địch là 1,7/1 về chủ lực và 3/1 về đơn vị tập trung). Đây là một điều đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa từng có; đồng thời cho thấy việc ta xây dựng, tập trung được các quân đoàn 1, 2, 3, 4, các sư đoàn của các quân khu 7, 8, 9 và trung đoàn bộ binh của Quân khu 6 là điều kiện vô cùng quan trọng và cũng là những kinh nghiệm sinh động của việc chuẩn bị caho đòn quyết chiến chiến lược trong giai đoạn cuối chiến tranh.

Nghệ thuật tạo sức mạnh về thế trận

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với việc tạo được ưu thế áp đảo địch về lực, ta còn sớm chuẩn bị được một thế trận lợi hại. Đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng để chiến dịch giành thắng lợi giòn giã và cũng là một kinh nghiệm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn về nghệ thuật chỉ đạo tạo thế cho một chiến dịch quan trọng quyết định. Đó là, trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, ta đã xác định đúng vị trí của chiến trường, sớm có dự kiến tạo thế trận. Tại miền Đông Nam Bộ, rừng núi được xác định là chiến trường tiêu diệt lớn quân địch, Sài Gòn-Gia Định là chiến trường quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh bại hoàn toàn quân địch. Ý định đó của chiến lược đã được Bộ tư lệnh Miền quán triệt và kiên trì vận dụng sáng tạo.

Việc chuẩn bị thế trận chiến dịch tiến công có tầm chiến lược thường do lực lượng tại chỗ chuẩn bị một phần từ trước khi lực lượng chiến lược tăng cường xuống. Trong khi chuẩn bị thế đứng và tuyến xuất phát tiến công của chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngay từ mùa khô 1974-1975, Bộ chỉ huy Miền đã đồng thời tạo thế triển khai xuất phát tiến công cho cả chủ lực tại chỗ của Miền và chủ lực cơ động của Bộ. Theo đó, trên 5 hướng tiến công vào Sài Gòn thì 2 hướng Đông và Tây-Tây Nam, ta đã bố trí Quân đoàn 4 và Đoàn 232 đảm nhiệm, vừa tiến công tạo thế từ trước chiến dịch, vừa là cánh quân tiến công khi mở chiến dịch. Cùng với đó, thế ba vùng chiến lược, thế bố trí ba thứ quân tại chỗ được ta triển khai sớm và hoàn chỉnh trước chiến dịch đã tạo địa bàn tập kết thuận lợi cho lực lượng rất lớn của chiến dịch. Hậu phương rừng núi miền Đông đã mở rộng và hoàn chỉnh, nối thông đường vận chuyển chiến lược vươn từ chiến trường tới hậu phương lớn... Nhờ có thế trận triển khai xuất phát tiến công đã được chuẩn bị từ trước, nên các quân đoàn từ xa có thể tới thẳng ngay khu xuất phát tiến công của mình theo kế hoạch chiến dịch mà không phải qua bước tự mình chuẩn bị toàn bộ thế bố trí. Trong đó, tuyến xuất phát tiến công của một số quân đoàn chỉ cách mục tiêu chủ yếu trong nội đô chừng 40-50km đường chim bay là điều hết sức lý tưởng.

Đặc biệt, bước vào thời kỳ trực tiếp tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào dự kiến kế hoạch và yêu cầu của thế trận chiến dịch, việc triển khai tạo thế trên nhiều mặt rất rộng lớn và phức tạp; thế trận chiến dịch phải bảo đảm sử dụng lực lượng rất lớn, vừa đánh địch bên ngoài, vừa đánh địch bên trong, vừa thọc sâu đánh hiểm, trong ngoài cùng đánh, cũng như phát huy cùng một lúc toàn bộ sức mạnh của mọi lực lượng... Vì vậy, ngay từ lúc mở đầu chiến dịch, ta đã hình thành được thế bao vây chia cắt địch ở phạm vi toàn chiến dịch và từng khu vực địch để tiêu diệt, không cho địch ứng cứu lẫn nhau, không cho chúng co cụm, tháo lui chạy thoát. Đồng thời, thế trận chiến dịch phát huy được đầy đủ sức mạnh của cả hai lực lượng, của ba thứ quân và phối hợp chặt chẽ với nhau, trọng tâm là sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng của các binh đoàn chiến lược. Với lực lượng vũ trang tại chỗ làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy lúc này cũng có 2 trung đoàn và 5 tiểu đoàn của thành, mỗi huyện có 1-2 đại đội, cả thành phố có 3.345 du kích và 233 tự vệ mật, 6 trung đoàn đặc công... được bố trí trên các trục đường tiến quân của các cánh quân chủ lực vào thành phố.

Địch ở vào thế bị bao vây, bị chia cắt triệt để, khi bị ta đánh thì địch ở cả trong, ngoài, xa, gần không thể ứng cứu lẫn nhau, làm cho tinh thần chúng vốn đã hoang mang càng suy sụp trầm trọng. Nhất là, thế trận chiến dịch hoàn chỉnh nên đã tạo được hiệu suất chiến đấu cao; đồng thời, phát huy gấp bội ưu thế lực lượng... Chẳng hạn, ở phía Đông, ta áp sát Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, thực hiện bao vây địch về phía Đông, sẵn sàng cắt Lộ 15, sông Lòng Tàu, sẵn sàng chia cắt địch giữa Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu, chặn đường ra biển, làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Ở phía Bắc và Tây Bắc, ta giải phóng Bà Đen, Dầu Tiếng, Chơn Thành, chia cắt địch giữa Sài Gòn, Tây Ninh với Sài Gòn, Bình Dương. Ở phía Tây và Tây Nam, chủ lực Quân khu 8, Quân khu 9 áp sát sẵn sàng chia cắt địch ở Cái Vồn, Trung Lương, Cai Lậy, Sư đoàn 5 của ta đứng ở Tây Bắc lộ 4, dọc Vàm Cỏ Tây xuống sát Tân An-Bến Lức, lực lượng Quân khu 8 đứng chắc ở Nam Long An, sẵn sàng cắt kênh Chợ Gạo. Riêng đồng bằng vùng ven và nội đô là hai vùng chiến lược được đặc biệt chú ý, ta đã liên tục đánh phá “bình định” ở vùng ven, đẩy mạnh hoạt động đô thị, lần lượt đưa vào 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động cùng với 2 trung đoàn, 5 tiểu đoàn bộ đội địa phương của thành đội, vừa đánh phá “bình định”, vừa tạo chỗ đứng vững chắc, áp sát các mục tiêu được phân công, vừa phát động quần chúng và làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy.

Ngoài ra, thế chiến trường đã được tổ chức khá chu đáo, hậu cần chiến lược, chiến dịch được chuẩn bị đầy đủ trước khi mở màn chiến dịch. 6 đoàn hậu cần được tổ chức chặt chẽ vươn sâu theo các hướng tiến công của chiến dịch. Trước ngày nổ súng, có gần 60.000 tấn vật chất. Ngoài lượng vật chất cơ động mang theo của các quân đoàn, hệ thống kho tàng chiến lược, chiến dịch, trạm xăng dầu, bệnh viện, bệnh xá trên các tuyến chiến lược, chiến dịch đã triển khai xong. Cơ sở kỹ thuật sửa chữa xe, pháo cũng đã hình thành hoàn chỉnh theo yêu cầu chiến đấu... Đây vừa là thế trận rất hiểm hóc, vừa là sự bố trí lực lượng hết sức lợi hại và cũng là một yếu tố quan trọng trong cách đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Gần 50 năm đã trôi qua, thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch nói chung, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận nói riêng không chỉ có giá trị lịch sử, có ý nghĩa thời đại sâu sắc mà còn có tác dụng giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đó cũng là những kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn cần được vận dụng sáng tạo, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Báo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới