Ký biên bản ghi nhớ về dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế”

Sáng 1/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (DDG) đã tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Đại sứ quán Nhật Bản và Quỹ A.P. Møller Support Foundation (Đan Mạch) tài trợ.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế 
và ông Clinton John Smith - Giám đốc chương trình, DDG Việt Nam cùng ký biên bản ghi nhớ

Theo biên bản ghi nhớ, DDG và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng thiết lập mối quan hệ hợp tác để xử lý các vật liệu nổ còn tồn đọng sau chiến tranh, góp phần nâng cao an toàn cho con người và phát triển kinh tế - xã hội tại các cộng đồng bị ảnh hưởng thông qua việc thực hiện chương trình rà phá bom mìn nhân đạo (HMA).

Theo đó, dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế” có nguồn tài trợ khoảng 1,2 triệu USD (tương đương 27 tỷ đồng Việt Nam), thực hiện trong 2 năm (2017 - 2019). Địa bàn triển khai tại 10 xã của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và các khu vực được ưu tiên khác theo đề xuất của UBND tỉnhThừa Thiên Huế.

Dự án sẽ tập trung vào các nội dung và hoạt động, gồm: khảo sát tình trạng ô nhiễm bom mìn tại các xã để đưa ra giải pháp giải quyết các mối nguy hiểm về ô nhiễm bom mìn một cách xác thực và hiệu quả; xử lý vật liệu nổ tại địa bàn đã khảo sát để làm sạch các khu vực nguy hiểm, đồng thời tiếp tục khảo sát nhằm xác định và phân loại các khu vực có vật liệu nổ và thực hiện đánh giá tác động sau rà phá, xử lý vật liệu nổ; nâng cao năng lực trong quản lý thông tin và kết nối các kế hoạch hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại lễ ký, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán Nhật Bản, Quỹ A.P. Møller Support Foundation (Đan Mạch) và tổ chức DDG Việt Nam trong việc tài trợ tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả của chiến tranh; hy vọng các hoạt động của dự án sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu tác động rất lớn của ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo khảo sát của tổ chức BOMICEN và Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tiến hành từ năm 2004 - 2008, 100% số xã của tỉnh Thừa Thiên Huế bị ô nhiễm bom mìn với diện tích ước khoảng 172.406 ha (chiếm 35,4% diện tích toàn tỉnh). Từ năm 1999 đến nay, với sự hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế, toàn tỉnh đã tiến hành rà phá, làm sạch được khoảng 1.200 ha đất bị nhiễm bom mìn, phát hiện và phá hủy khoảng 52 nghìn bom mìn và vật liệu chưa nổ./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới