LTS: Năm 2016, Sơn La còn 42 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự (chiếm 20,59% tổng số xã, phường, thị trấn). Để giải quyết vấn đề này, thực hiện “Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là Đề án), tỉnh ta đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó, tình hình an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn đã có những chuyển biến tích cực, đem lại sự bình yên cho nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công an huyện Yên Châu tuyên truyền, phổ biến pháp luật
cho người dân bản Bó Kiểng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu).
Chủ trương đúng, chính sách kịp thời
Đề án nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý địa bàn, dân cư; đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, lực lượng Công an xã, thị trấn, các tổ chức tự quản về an ninh trật tự. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn; tích cực phát hiện, đấu tranh, giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn
Để thực hiện Đề án hiệu quả, ngày 10/9/2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 144/2015 quy định nội dung, mức chi kinh phí thực hiện Đề án và tổ chức mở cuộc vận động đối với cấp xã, thị trấn, bản, tiểu khu, hỗ trợ kinh phí cho các thành viên tham gia thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời báo cáo, đề xuất HĐND tỉnh duyệt, cấp kinh phí thực hiện; giao cho Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn.
Trung tá Nguyễn Trung Tấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Quy trình chuyển hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn được thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; không chỉ tổ chức chuyển hóa đối với địa bàn đã được xác định là trọng điểm, phức tạp về ANTT, mà còn tổ chức chuyển hóa những vấn đề phức tạp về ANTT đang hình thành tại các xã, phường, thị trấn khác trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm giải quyết tình hình phức tạp có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đến năm 2017, toàn tỉnh có 5 xã được đưa ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về ANTT, gồm: Mường Giàng (Quỳnh Nhai), Phổng Lái (Thuận Châu), Lóng Phiêng (Yên Châu), Chiềng Khương, Đứa Mòn (Sông Mã). Địa bàn 5 xã nêu trên đều có chuyển biến chung, đó là: Trước thời điểm mở cuộc vận động chuyển hóa địa bàn, hoạt động của các loại tội phạm diễn ra phức tạp, hàng năm các địa bàn đều xảy ra trên 40 vụ việc liên quan đến tình hình ANTT như; tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tranh chấp đất đai, khiếu kiện.., gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự ổn định của địa bàn, ví dụ: xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai), tình hình tội phạm nhất là trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy (địa bàn chung chuyển ma túy); xã Phổng Lái (Thuận Châu) phức tạp về số người nghiện nhiều, trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông; xã Lóng Phiêng (Yên Châu), Chiềng Khương (Sông Mã) là xã biên giới phức tạp về xuất cảnh trái phép và vận chuyển trái phép chất ma túy, hệ thống chính trị yếu; xã Đứa Mòn (Sông Mã) xảy ra tranh chấp đất đai, hoạt động của chính quyền cơ sở yếu... Thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, UBND các huyện đã xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập các tiểu ban và tổ công tác tuyên truyền mở cuộc vận động chuyển hóa địa bàn, như: ban phụ trách củng cố hệ thống chính trị và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; ban phụ trách về công tác phòng chống tội phạm và kiểm soát ma túy; ban phụ trách về công tác giải quyết tranh chấp đất đai... Sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn chuyển biến tích cực; hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác được kiềm chế; hệ thống chính trị ở cơ sở xã, bản yếu, kém được kiện toàn; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và các mô hình đảm bảo ANTT ở cơ sở, như: Nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải... được củng cố; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia tố giác, phát giác tội phạm. Hằng năm, có trên 96% số tổ, bản được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT và xã đạt tiêu chí số 19 trong bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tình hình trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn đã chuyển hóa được giữ vững ổn định, các vấn đề phức tạp về ANTT từng bước được giải quyết, không phát sinh vấn đề phức tạp mới, tình hình tội phạm giảm rõ rệt, không phát sinh tội phạm nghiêm trọng.
Ông Lò Văn Bình, bản Phiêng Luông, xã Phổng Lái (Thuận Châu), cho biết: Trước khi có cuộc vận động chuyển hóa địa bàn, tình hình an ninh trật tự như cờ bạc, trộm cắp xảy ra rất nhiều. Từ năm 2015 đến nay, cờ bạc, trộm cắp giảm rõ rệt nhờ lực lượng dân phòng, tổ an ninh tự quản thường xuyên đi tuần tra; người dân ở địa phương rất phấn khởi về tình hình ANTT ổn định. Còn ông Lò Văn Hặc, bản Pom Mường, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) bộc bạch: Trước khi có cuộc chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT; chưa củng cố, xây dựng các mô hình nhóm liên gia tự quản thì tình hình ANTT ở bản Pom Mường nói chung, xã Mường Giàng nói riêng rất phức tạp; bởi nơi đây luôn được coi là địa bàn “đắc địa” để đối tượng nghiện gặp gỡ, trao đổi ma túy. Nhiều đối tượng gây ra các vụ trộm cắp, cướp giật làm ảnh hưởng đến ANTT, khiến người dân lo lắng. Sau chuyển hóa địa bàn, nhóm liên gia tự quản được củng cố, tình hình ANTT đã ổn định. Các loại tội phạm giảm hẳn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, người dân vui mừng, yên tâm lao động, sản xuất.
Cần duy trì sự phối hợp liên tục, đồng bộ
Việc tổ chức các cuộc vận động chuyển hóa địa bàn đã thu được những kết quả quan trọng, ổn định được tình hình an ninh, trật tự, làm giảm cơ bản hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 35 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Qua kiểm tra đánh giá, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự các địa bàn trên vẫn chưa đảm bảo tiến độ theo lộ trình đã ra (giảm từ 15%-20% địa bàn/năm); chưa xác định được lộ trình đưa các xã ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc công nhận an toàn về an ninh trật tự từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đánh giá mức độ chuyển biến về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn các xã; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa quan tâm đúng mức việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự duy trì hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đề ra. Chưa đánh giá được sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với việc xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ...
Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ các cấp cần phát huy rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục vận động đoàn viên, hội viên nhân dân tham gia cuộc vận động chuyển hóa địa bàn và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đặc biệt là phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ đảng viên ở cơ sở, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thực hiện Đề án. Có như vậy mới tạo được bước đột phá trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đồng thời phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn toàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!