Sau hơn 40 năm thực hiện di vén vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Tường Hạ (Phù Yên) đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dân bản Khảo, xã Tường Hạ chăm sóc rừng trồng.
Trở về Tường Hạ gần đây, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, đường sá được trải nhựa, nhiều công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Đón chúng tôi, ông Hà Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Tường Hạ, thông tin: Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, chúng tôi vận động bà con tận dụng diện tích ruộng trên cao trình và ruộng bán ngập để sản xuất lúa 2 vụ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển nghề rừng; nuôi và đánh bắt cá trên lòng hồ kết hợp kinh doanh dịch vụ... Để giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, xã chỉ đạo các hội, đoàn thể đứng ra nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Yên tạo điều kiện cho trên 600 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ vốn, xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với địa phương để bà con áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đặc biệt, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 135, năm 2020 đã hỗ trợ giống bò sinh sản cho 40 hộ nghèo, cận nghèo tại các bản: Dằn, Khảo, Cóc 1,2, Liên Hợp với tổng số tiền 460 triệu đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân thâm canh 35 ha lúa nước bằng các giống mới có chất lượng, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Cùng với đó, xã còn khuyến khích người dân tận dụng những khu đất hoang, chưa sử dụng làm bãi chăn thả đàn gia súc và trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Hiện, toàn xã duy trì ổn định hơn 2.300 con gia súc và đàn gia cầm trên 14.000 con. Tận dụng lợi thế đất rừng, những năm qua, chính quyền xã đã làm tốt công tác giao đất, giao rừng cho nhân dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn xã có 607 ha rừng, trong đó có 56,5 ha rừng khoanh nuôi và trên 551 ha rừng sản xuất. Với lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, xã vận động nhân dân nhân rộng mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế tốt. Hiện nay, toàn xã có 15 hộ nuôi thủy sản với tổng số 25 lồng cá các loại; tổng sản lượng khai thác, đánh bắt cá trên mặt hồ từ đầu năm đến nay đạt trên 85 tấn, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Anh Lò Quang Huy, Bản Cóc 1, cho biết: Tiếp thu được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi qua các lớp tập huấn của huyện, xã, năm 2016, được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, cùng với số vốn tích cóp của gia đình, tôi quyết định đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp trồng 270 cây xoài Đài loan và nuôi cá lồng. Hiện, gia đình đang nuôi gối đàn gà 700 con, sản lượng đạt 2 tấn/năm và nuôi 5 lồng nuôi cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, sản lượng 4 tấn cá/năm, trừ hết chi phí, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cũng được xã chú trọng đẩy mạnh, hiện, trên địa bàn xã có 63 hộ kinh doanh những mặt hàng thiết yếu; 4 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp như chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung, các dịch vụ xây dựng, dịch vụ vận tải, cung ứng vật liệu xây dựng cũng đang duy trì hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động...
Với hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 17%. Hệ thống hạ tầng cơ sở và đời sống vật chất, tinh thần của người dân đổi thay rõ rệt. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các hộ dân đầu tư hệ thống lồng nuôi cá, hình thành liên kết các nhóm hộ, tổ hợp tác nuôi cá lồng, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, giảm số hộ nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!