Trung tuần tháng 12, chúng tôi có dịp về xã Mường Cơi (Phù Yên), đúng vào thời điểm những vườn cam, quýt đang chín rộ. Sau gần một năm vất vả chăm bón, thành quả của người nông dân Mường Cơi là những chuyến xe chở đầy trái ngọt đưa đi muôn nơi.
Nông dân xã Mường Cơi (Phù Yên) thu hoạch quýt ngọt.
Tới thăm vườn cây ăn quả của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX, vừa dẫn chúng tôi lên thăm vườn quýt, vừa thông tin: HTX thành lập năm 2018, có 11 thành viên với gần 30 ha cam, quýt, bưởi. Để xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài việc đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động ở gốc và hệ thống phun sương trên cao, các thành viên HTX đều tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP, có sổ nhật ký ghi chi tiết, từ khâu bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và thu hoạch. Năm 2018, sản phẩm quýt ngọt của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP. Năm 2019, sản lượng quả các loại đạt 120 tấn, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng; thu nhập bình quân thành viên đạt gần 200 triệu đồng/năm. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cùng với yếu tố về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng nên quýt ngọt của HTX phát triển tốt, quả to đều, vỏ mỏng, có vị thơm và ngọt đậm. Hiện nay, HTX đang hoàn tất các thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP của huyện. Đối với cam Vinh, thời gian thu hoạch từ tháng 10-12; cam đường canh và quýt ngọt từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Giá bán hiện nay, cam vinh từ 10.000-15.000 đồng/kg; cam đường canh và quýt ngọt có giá 25.000 - 35.000 đồng/kg; dự kiến năm nay HTX thu khoảng 150 tấn quả.
Đến thăm gia đình anh Lê Văn Toàn, bản Văn Tân, đang tất bật thu hoạch cam Vinh, cam đường canh, anh Toàn chia sẻ: Năm nay được mùa, gia đình dự kiến hơn 2 ha sẽ thu khoảng 35 tấn quả. Trong quá trình chăm sóc, tôi luôn học hỏi kinh nghiệm từ những người làm trước; năm 2017, đầu tư hệ thống nước nhỏ giọt để thuận tiện trong việc chăm sóc. Tạo sự liên kết, sản xuất theo quy trình VietGAP, tôi đã vận động 7 hộ trong bản thành lập HTX trồng cây ăn quả Văn Tân, với 11 ha cam, quýt, bưởi.
Tìm hiểu được biết, năm 2010, cây ăn quả bắt đầu bén rễ ở vùng đất này khi một số hộ dân ở bản Nghĩa Hưng đưa cây cam Vinh, cam đường canh, bưởi từ Hưng Yên lên trồng. Sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều hộ thoát nghèo từ cây ăn quả. Từ hiệu quả kinh tế đem lại, xã Mường Cơi xác định đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Theo đó, xã vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; lồng ghép các dự án để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Đến nay, xã có hơn 250 ha cây ăn quả trong đó, hơn 200 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 5.000 tấn quả, tập trung chủ yếu ở các bản: Nghĩa Hưng, Văn Tân, Kiềng, Cơi, Tường Ban. Không chỉ chú trọng đến mở rộng diện tích, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp đơn vị chức năng xây dựng mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ thương mại. Hiện nay, xã Mường Cơi đã chọn quýt ngọt là sản phẩm OCOP.
Thành viên HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên) thu hoạch quýt ngọt.
Ông Đinh Thế Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước kia, các hộ dân ở đây trồng cây ăn quả mới chỉ quan tâm đến năng suất và sản lượng, còn chất lượng và nhu cầu thị trường thì chưa được chú trọng. Nhưng nay, các hộ trồng nhỏ lẻ đã liên kết thành lập các hợp tác xã để áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều vườn cây ăn quả, đã được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt; quá trình bón phân, phun thuốc và thu hoạch đều tuân thủ theo hướng dẫn. Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình trong xã đã có cuộc sống khá giả, làm được nhà ở khang trang.
Với những hiệu quả tích cực từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian tới, xã Mường Cơi tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích cây ăn quả; liên kết thành lập các HTX để nâng cao chất lượng gắn với đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật để cây ăn quả phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!