Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã Suối Tọ chiếm hơn 51%. Để tìm hướng thoát nghèo cho người dân, những năm qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền bà con thay đổi tập quán canh tác sản xuất lạc hậu; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh ở địa phương; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Người dân bản Suối Khang, xã Suối Tọ (Phù Yên) nuôi gia cầm.
Đồng chí Thào A Trư, Bí thư đảng ủy xã, cho biết: Khai thác lợi thế về nguồn nước, xã vận động nhân dân khai hoang ruộng bậc thang; trồng cây măng sặt, các loại cây ăn quả và trồng rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Đồng thời, thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hiện dư nợ gần 7 tỷ đồng, cho gần 300 hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển kinh tế.
Được biết, toàn xã có 100 ha lúa ruộng bậc thang (tăng 30 ha so với năm 2015), sản lượng hơn 350 tấn thóc/năm; trên 270 ha lúa nương, sản lượng hơn 300 tấn/năm; gần 2.300 ha ngô, sắn, sản lượng hơn 11.000 tấn/năm. Cùng với đó, từ năm 2017 đến nay, xã vận động bà con chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng gần 30 ha rừng sản xuất, hơn 30 ha cây sơn tra, 10 ha măng sặt và hơn 20 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các bản: Suối Dinh, bản Trò và Pắc Bẹ C... Hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trong chăn nuôi, toàn xã duy trì trên 4.200 con gia súc, hơn 10.400 con gia cầm. Bên cạnh đó, từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, nhiều tuyến đường nội bản, liên bản, như: Suối Khang, Suối Dinh, Pắc Bẹ A, B, C... đã được đổ bê tông, với tổng chiều dài gần 8 km, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản.
Anh Sồng A Cua, bản Suối Khang, là một trong những gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của xã, với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Gia đình anh nuôi trên 20 con lợn thịt; hơn 20 con trâu, bò, dê; trên 300 con gà mía, gà địa phương, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng từ chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua 2 máy xúc, mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa phục vụ bà con trong bản, trong xã để tăng thêm thu nhập. Anh Cua chia sẻ: Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên gia đình tôi có thu nhập khá, cuộc sống ổn định.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Suối Tọ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, trồng rừng sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để bao tiêu sản phẩm. Mở rộng diện tích ruộng bậc thang; khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt chuồng gắn với trồng cỏ để mang lại hiệu quả kinh tế... Xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 50% vào cuối năm 2020.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!