Suối Tọ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm trước đây, sản xuất của bà con chủ yếu trồng lúa nương, nhưng do canh tác trên đất dốc thường xuyên bị xói mòn, rửa trôi, nhanh bạc màu nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, việc trồng lúa nương phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, năm nào “mưa thuận gió hòa” thì năng suất cũng chỉ từ 7-8 tạ/ha, còn nếu hạn hán thì mất mùa, vì thế tình trạng đói giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra.
Ruộng bậc thang tại xã Suối Tọ (Phù Yên).
Để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, cùng với những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn của Đảng, Nhà nước, xã Suối Tọ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai hoang ruộng bậc thang để gieo cấy lúa nước và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dẫn chúng tôi đi thăm một số diện tích ruộng nước đã khai hoang của người dân, Bí thư Đảng ủy xã Thào A Trư phấn khởi: Những năm qua, phong trào khai hoang ruộng nước được người dân trong xã tích cực hưởng ứng, bà con đã từng bước thay đổi truyền thống canh tác từ trồng lúa nương sang gieo cấy lúa nước. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, người dân trong xã đã khai hoang được 30 ha, nâng diện tích ruộng bậc thang lên 100 ha, tập trung chủ yếu ở các bản Trò, Suối Dinh, Pắc Bẹ C, Suối Khang, Lũng Khoai, Suối Tọ. Từ ngày có ruộng nước, tình trạng đói giáp hạt ở Suối Tọ đã giảm hẳn.
Chúng tôi đến bản Lũng Khoai, một trong những bản tích cực khai hoang ruộng bậc thang, chuyển đổi từ trồng lúa nương sang gieo cấy lúa nước. Bản có 70 hộ thì 30 hộ đã chuyển sang làm ruộng bậc thang, cả bản hiện có 22 ha gieo cấy được 2 vụ. Dừng chân tại thửa ruộng của gia đình anh Sồng A Tủa, bản Lũng Khoai, chúng tôi được biết để có được thành quả này, gia đình anh đã phải bỏ hàng chục triệu đồng để thuê máy san ủi và đầu tư hệ thống dẫn nước vào ruộng. Anh Tủa chia sẻ: Được xã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình đã cải tạo đất, chuyển những diện tích lúa nương sang làm ruộng bậc thang và gieo cấy giống lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng cao, nên chỉ với hơn 6.000 m² ruộng gia đình thu hoạch gần 2 tấn thóc/vụ, từ chỗ thiếu lương thực, nay đã đủ ăn.
Cách đó không xa, gia đình chị Vì Thị Nếnh cũng đã khai hoang được 1 ha ruộng bậc thang. Chị Nếnh cho biết: Khi mới khai hoang, do lớp đất mùn còn ít nên gia đình đã phải làm đường ống dẫn nước về ruộng và ủ phân xanh để cải tạo đất, nhờ thế năng suất mỗi vụ đạt 3 tấn, gia đình không những đủ ăn mà còn dư để bán.
Việc khai hoang ruộng bậc thang ở Suối Tọ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của đồng bào vùng cao. Nhiều diện tích nương đang tiếp tục được bà con cải tạo thành những thửa ruộng bậc thang, minh chứng cho quyết tâm xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!