Gần một tháng nay, hồ thủy điện Hòa Bình tại địa bàn huyện Phù Yên nước rút nhanh, lòng hồ trở thành bãi bồi, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là những hộ nuôi cá lồng trên sông.
Bến phà Vạn Yên, xã Tân Phong (Phù Yên) tạm dừng hoạt động do nước cạn.
Chúng tôi đến bến phà Vạn Yên, xã Tân Phong, trên trục QL43 nối huyện Phù Yên với huyện Mộc Châu, nơi tập trung nhiều hành khách qua lại hai bên sông Đà. “Bến Vạn tình yêu” thơ mộng với làn nước trong xanh, nay nhiều chỗ khô cạn, nứt nẻ. Do mực nước xuống thấp nên từ 19h ngày 12/5, Sở Giao thông Vận tải tạm dừng hoạt động bến phà Vạn Yên. Hiện nay, người dân dùng tre, gỗ xẻ thành từng tấm ghép lại, dải thành đường băng dài để di chuyển qua lại trên mặt bùn khu vực lòng hồ đến bến thuyền.
Người dân dùng tre, gỗ làm đường để đi lại trên lòng hồ.
Với hơn 3.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trở thành hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân vùng lòng hồ của huyện Phù Yên. Tuy nhiên, hàng năm vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 mực nước xuống rất thấp, nước trên sông đục, đặc bùn, nếu không di chuyển lồng kịp thời đến những vùng nước sâu, cá sẽ bị chết hàng loạt do bị sặc bùn.
Ông Đinh Công Thành, bản Vạn Yên, xã Tân Phong, chia sẻ: Mùa nước cạn, bà con nuôi cá vất vả lắm, gia đình tôi có 3 lồng cá, chưa đầy một tháng đã phải di chuyển tới 5 lần. Mỗi khi mưa lớn, chúng tôi lại thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa”. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, mỗi khi vào mùa khô nước lòng hồ lại cạn, nên các hộ dân không dám mở rộng quy mô sản xuất vì sợ thua lỗ.
Trước mực nước lòng hồ xuống thấp, để hạn chế những thiệt hại cho người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Yên đã có công văn đề nghị UBND các xã dọc sông Đà trên địa bàn huyện, gồm: Tường Hạ, Tân Phong, Tường Phong, Tường Tiến, Tường Thượng, Bắc Phong và Nam Phong tập trung chỉ đạo các hộ dân triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, chăm sóc cá lồng khi nước lòng hồ xuống thấp.
Vận động nhân dân thu hoạch bán cá thịt đủ tuổi xuất bán. Thường xuyên theo dõi mực nước, di chuyển lồng nuôi đến những nơi có mực nước đảm bảo, tránh neo đậu lồng cá những nơi có suối chảy ra hồ, đề phòng lũ cuốn trôi. Điều chỉnh, giảm mật độ nuôi vào thời điểm thời tiết bất lợi. Trong trường hợp nước rút bất ngờ, phải dùng máy bơm, sục khí tăng cường oxy tại chỗ. Nạo vét bùn dưới đáy lồng để chuyển lồng đi nơi khác, tránh lồng bị mắc cạn, tùy từng điều kiện có thể di chuyển cá từ sông vào nuôi trong ao.
Người dân nuôi cá ở Tân Phong (Phù Yên) di chuyển lồng cá ra khu vực nước sâu.
Ông Đinh Văn Ân, bản Vạn Yên, xã Tân Phong, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng, chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, gia đình tôi thường mua cá giống có trọng lượng từ 300-500g/con để nhanh được xuất bán. Năm nay, khi vào mùa nước cạn gia đình đã bán hết cá thu hồi vốn để tiếp tục nuôi khi lượng nước ổn định. Không chỉ riêng gia đình ông Ân mà còn nhiều hộ nuôi cá lồng ở Tân Phong cũng lựa chọn giải pháp này để giảm thiệt hại.
Xã Tường Phong, địa bàn nuôi nhiều cá lồng nhất của huyện, với hơn 230 lồng cá. Ông Vi Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hàng năm, trước mùa nước cạn, xã tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch và đợi đến tháng 8 khi lượng nước ổn định mới tiếp tục nuôi. Đối với những lồng cá còn bé, theo dõi mực nước, chủ động đưa lồng bè đến khu vực nước sâu. Ngoài ra, khuyến cáo người dân không để lồng bè gần các ngả suối để tránh việc cá chết do sặc bùn nếu xảy ra mưa lớn như những năm trước.
Hiện nay, mực nước trên lòng hồ tiếp tục rút với diễn biến khó lường của thời tiết, nguy cơ mưa lũ bất ngờ có thể xảy ra, người dân nuôi cá lồng cần chủ động các giải pháp được khuyến cáo để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!