Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đó là chủ trương của huyện Phù Yên trong lồng ghép các nguồn vốn xây dựng dự án hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, thúc đẩy thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ và sản phẩm gạo hữu cơ của HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (Phù Yên).
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, khẳng định: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Phù Yên đã tăng cường công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 13 chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc triển khai các dự án đã thu hút được doanh nghiệp tham gia sản xuất và tiêu thụ nông sản, nên người dân rất yên tâm tham gia các chuỗi sản xuất.
Với định hướng đúng trong triển khai các dự án đã từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đơn cử như dự án hỗ trợ sản xuất sản phẩm sả được triển khai năm 2019 tại xã Bắc Phong, Huy Tường với 137 hộ tham gia, kinh phí 800 triệu đồng. Dự án có sự tham gia của Công ty cổ phần Bảo Lâm Sơn La. Hiện nay, Công ty đã phối hợp với HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Như Ý xây dựng được 2 lò chưng cất tinh dầu sả tại xã Bắc Phong. Hiện chi phí đầu tư 1 ha sả ban đầu khoảng 20 triệu đồng, sau 4 tháng cây cho thu hoạch năng suất đạt 25-30 tấn lá/năm, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha; nếu chiết xuất thành tinh dầu sả thì cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha.
Chị Mùi Thị Ánh, Giám đốc HTX, thông tin: Hiện nay, HTX có 60 ha sả Java, với sự liên kết của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, năm 2020, sản phẩm tinh dầu sả của HTX đã được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao. Đây là tín hiệu vui để người dân ở địa phương chuyển đổi sản xuất, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một dự án khác cũng đang phát huy hiệu quả là sản xuất gạo hữu cơ được triển khai năm 2019 tại xã Quang Huy và xã Huy Tân, với diện tích 130 ha, kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Sau khi dự án được phê duyệt, huyện Phù Yên đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã trong vùng dự án liên kết với Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống và phân bón hữu cơ. Đến nay, đã phát triển lên gần 200 ha, trong đó 130 ha lúa đã được cấp chứng nhận chuyển đổi. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã tư vấn các hộ sản xuất lúa liên kết thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, hướng dẫn thiết kế logo, nhãn mác, bao bì. Đến nay, HTX đã phát triển được 162 thành viên với 140 ha lúa, cơ cấu giống BC15, Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, J02. Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Chị Đinh Thị Trang, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, chia sẻ: Tham gia sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, chúng tôi được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc lúa; chất lượng gạo ngon hơn, giá gạo hữu cơ cao hơn từ 5-7 nghìn đồng/kg so với gạo trồng theo phương pháp truyền thống, sản phẩm được bao tiêu, truy xuất nguồn gốc.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện đại. Qua liên kết sản xuất, không chỉ giúp nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn hàng chất lượng cao, mà cơ quan chức năng cũng dễ dàng quản lý và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!