Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát vào ngày 15/6 tại bản Kim Tân, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng tại chốt kiểm dịch xã Huy Thượng (Phù Yên).
Theo thống kê, tính đến hết tháng 10, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 43 bản, 361 hộ nuôi, tại 12 xã, thị trấn của huyện Phù Yên, bao gồm: Huy Bắc, Mường Do, Gia Phù, Huy Tân, Huy Tường, Huy Thượng, Tường Thượng, Tường Hạ, Quang Huy, Huy Hạ, Mường Thải và thị trấn Phù Yên. Nguyên nhân do một số hộ chăn nuôi tái đàn mua con giống không rõ nguồn gốc, mang theo mầm bệnh. Bên cạnh đó, dịch tái phát từ các ổ dịch cũ, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Ngay sau khi các địa phương có thông báo về hiện tượng lợn chết bất thường, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh, kiểm đếm và tiến hành tiêu hủy 1.400 con lợn bệnh, tổng trọng lượng trên 75 tấn. Để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan, phát sinh trên địa bàn, huyện đã tiến hành cấp 722 lít hóa chất khử trùng, 10,7 tấn vôi bột để rắc tại các vị trí có nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh, các khu vực chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi. Cùng với đó, chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở bám nắm địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng dịch, tiêu hủy đúng cách đối với lợn chết. Đồng thời, thành lập 9 chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn từ địa phương khác vào huyện.
Tại xã Huy Thượng, phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi vào ngày 6/9, đến nay 64 hộ chăn nuôi ở 5 bản của xã có lợn bị bệnh, với 286 con lợn bị tiêu hủy. Đã gần 2 tháng kể từ ngày đàn lợn bị tiêu hủy, gia đình ông Phùng Văn Tính, bản Chằm Chài vẫn chưa hết xót xa, bởi 23 con lợn nái và lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 1 tấn đều bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ông Tính cho biết: Sau khi đàn lợn của gia đình bị tiêu hủy, tôi đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn của cán bộ thú y về vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và môi trường xung quanh. Hơn nữa, trong nhà còn hơn 1 tấn cám để làm thức ăn cho lợn không trả được vì sợ lây nhiễm bệnh cho những hộ chăn nuôi khác.
Ông Hoàng Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Huy Thượng thông tin: Ngay khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tiêu hủy lợn bệnh ưu tiên thực hiện trong khu vực nhà. Còn đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, số lượng lợn bệnh nhiều, hội đồng tiêu hủy của xã chọn địa điểm chôn lấp xa khu vực dân cư. Cùng với tập trung thực hiện khử trùng, xã đã lập 1 chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã được khống chế.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc-xin phòng ngừa, do vậy, biện pháp phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất, trước hết cần nâng cao ý thức người dân. Đối với các hộ chăn nuôi chưa bị nhiễm bệnh, hoặc những vùng chưa có dịch, huyện khuyến cáo bà con áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, như tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi chuồng trại chăn nuôi, thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường). Những hộ chăn nuôi khi phát hiện có lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền cơ sở và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện nay, mới chỉ có xã Huy Bắc đã công bố hết dịch theo quy định. Các xã Mường Do, Gia Phù, Thị trấn đã qua 21 ngày và không phát sinh ca mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi chuẩn bị thực hiện công bố hết dịch. Đối với các ổ dịch chưa qua 21 ngày, huyện Phù Yên tiếp tục áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, không để dịch lan rộng. Đồng thời, huyện tập trung phê duyệt danh sách, tiến hành hỗ trợ đối với lợn buộc phải tiêu hủy để người chăn nuôi trên địa bàn có điều kiện tổ chức tái đàn khi tình hình dịch bệnh ổn định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!