Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, năm 2019, huyện Phù Yên có tỏi đen và tỏi khô được lựa chọn là 2 trong 28 sản phẩm OCOP của tỉnh; năm 2020, huyện Phù Yên tiếp tục lựa chọn đăng ký phát triển thêm 6 sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP. Những kết quả bước đầu đã có tác động tích cực đến nền sản xuất nông nghiệp, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm địa phương.
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Hội LHPN huyện Phù Yên.
Thực hiện chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2020, huyện Phù Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định sản phẩm chủ lực, gồm: Thực phẩm, sản phẩm chế biến từ dược liệu, nhóm chế biến sản phẩm và sản phẩm từ cây ăn quả. Theo đó, huyện Phù Yên có 2 sản phẩm tỏi đen và tỏi khô của Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh tỏi Phù Yên (nay là HTX sản xuất kinh doanh tỏi Phù Yên) được công nhận sản phẩm OCOP vào cuối năm 2019. Sau khi được công nhận, hai sản phẩm này đã được UBND tỉnh, UBND huyện tạo điều kiện tham gia 13 chương trình hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, nhà phân phối, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Qua đó, có cơ hội để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, các nhà phân phối, làm cơ sở hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Trong 9 tháng qua, HTX đã bán được 200 kg tỏi đen, hơn 1,5 tấn tỏi khô và được 2 đại lý đăng ký phân phối sản phẩm tại Hà Nội.
Bước vào năm 2020, huyện Phù Yên có 3 sản phẩm dự kiến sẽ tham gia đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Chè Mường Do; miến dong Đức Nhân (Huy Thượng) và cao An Xoa của HTX Uyên Thuận (thị trấn Phù Yên); 3 sản phẩm dự kiến tham gia đánh giá và xếp hạng cấp huyện gồm: Chanh leo sấy dẻo của HTX Khu Han (Mường Do); tinh dầu sả của HTX Nông lâm nghiệp Như Ý (Bắc Phong); quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng (Mường Cơi). Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, thông tin: Bám sát kế hoạch triển khai, từ đầu năm đến nay, Phòng đã tổ chức 3 đợt khảo sát, đánh giá tiềm năng, hoạt động tài chính, nguồn gốc sản phẩm tại 6 đơn vị chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX nâng cấp hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng thành viên, mở rộng quy mô, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động thành HTX hoặc doanh nghiệp kiểu mới.
Để hỗ trợ các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX có thêm nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm, UBND huyện dự kiến sẽ hỗ trợ tổng số hơn 840 triệu đồng thực hiện chương trình. Trong đó, tổ chức 2 đoàn tham quan học tập, trao đổi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh. Hỗ trợ hơn 565 triệu đồng phát triển 3 sản phẩm: Quýt ngọt, chanh leo sấy dẻo và tinh dầu xả, chi phí còn lại sẽ được chi để phục vụ công tác quản lý hành chính, công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các hoạt động thuộc nội dung liên quan đến chương trình.
Trao đổi với ông Hoàng Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Do - địa phương có 2 sản phẩm được lựa chọn để tham gia chương trình OCOP năm nay, được biết: Sản phẩm chè cổ thụ shan tuyết Mường Do đã có ở địa phương từ những năm 1959-1960, sau một thời gian bị bỏ hoang, từ năm 2004 một số hộ gia đình bắt đầu khôi phục lại diện tích trồng, đến nay đã phát triển được khoảng 11.000 gốc cây chè shan tuyết cổ thụ. Riêng với sản phẩm chanh leo, đây là cây trồng mới, nhưng đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Nhờ sự hướng dẫn của đơn vị chức năng, chúng tôi đang hoàn thiện các hồ sơ, hi vọng sản phẩm sẽ được công nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện, hầu hết các HTX, hộ đăng ký tham gia chương trình đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến, sẽ đánh giá xếp hạng sản phẩm trong tháng 11 tới. Đây không những là cơ hội để xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mà còn giúp nâng tầm cho nông sản, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!