Những năm gần đây trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều mô hình liên kết trồng cây dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Nhân dân bản Tiến Phong, xã Huy Tường (Phù Yên) chăm sóc cây xả.
Nhiều năm trước, gia đình ông Lường Văn Tươn, ở bản Tiến Phong, xã Huy Tường chỉ biết trông vào 6.000 m² đất chủ yếu trồng ngô, sắn, nhưng cho năng suất thấp. Được sự hỗ trợ của huyện, xã, tháng 10/2019, gia đình ông tham gia mô hình trồng sả lấy lá thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm sả liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tham gia dự án gia đình ông được hỗ trợ giống, phân bón theo hình thức đối ứng, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, sản phẩm lá xả được Công ty thu mua. Ông Tươn, chia sẻ: Mới trồng 1 năm mà gia đình đã thu hoạch được 4 đợt lá, sản lượng đạt từ 8 tạ đến hơn 1 tấn/đợt, bán với giá 1,8 - 2 nghìn đồng/kg; thu về hơn 8 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng cây sắn. Sả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và chỉ trồng sau 4 đến 5 tháng là được thu hoạch, lứa thu tiếp theo sau 45 ngày. Trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục từ 5 đến 7 năm, chỉ phải làm cỏ và đặc biệt, không phải dùng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, vì cây sả ít bị sâu bệnh. Gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sả để tăng thu nhập.
Hiện, xã Huy Tường có trên 23 ha trồng cây sả lấy lá, tập trung ở bản Tiến Phong và Suối Pai. Không chỉ tại xã Huy Tường, mô hình trồng dược liệu đang được nhiều nông dân các xã, bản trong huyện trồng. Toàn huyện hiện có trên 100 ha diện tích đất trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu trong 3 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm (quy mô liên xã) bao gồm: Dự án trồng sa nhân (48,7 ha) tại 2 xã Mường Do, Mường Bang do Công ty TNHH Thiết bị Thương mại Dịch vụ Hương Xuân (Hà Nội) đầu tư. Dự án trồng cây an xoa (37 ha) tại Huy Bắc, Bắc Phong, Đá Đỏ, do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông lâm sản Hưng Yên (Hà Nội) đầu tư và dự án trồng xả (33 ha) tại Bắc Phong, Đá Đỏ, Huy Tường, do Công ty cổ phần Bảo Lâm Sơn La triển khai. Tham gia mô hình, bà con các xã vùng 3 được hỗ trợ 100% giống, phân bón, vật tư, đối với các xã vùng 2 được hỗ trợ tối đa 70%, còn lại 30% vốn đối ứng.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Yên, thông tin: Hiện, mô hình trồng sa nhân và an xoa đang trong giai đoạn chăm sóc và phát triển ổn định. Riêng mô hình trồng sả đã cho thu hoạch, qua đánh giá bước đầu, năng suất cao nhất có thể đạt 20 tấn lá/ha/năm, giá trị khoảng từ 30-35 triệu đồng. Ngoài việc phát triển vùng trồng nguyên liệu, chúng tôi còn tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, ưu tiên hỗ trợ thành lập HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Như Ý (xã Bắc Phong) triển khai xây dựng lò chưng cất tinh dầu sả, tiến tới cải tiến mẫu mã sản phẩm tham gia đánh giá và xếp hạng OCOP cấp huyện...
Nhờ áp dụng tổng thể các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, cây dược liệu mang lại giá trị cao hơn so với canh tác các loại cây trồng truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích. Đời sống của người nông dân nhiều địa phương nhờ đó cũng được nâng cao. Tuy nhiên, điểm khó, đó là các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn hiện vẫn còn nhỏ lẻ. Diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn.
Thời gian tới, để mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đem lại nguồn thu đáng kể và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, UBND huyện Phù Yên sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm từ cây dược liệu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!