Phát triển nghề nuôi cá lồng ở Phù Yên

Huyện Phù Yên hiện có 3.350 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 3.076 ha thuộc lòng hồ sông Đà, 194 ha ao, hồ nhỏ, 80 ha hồ thủy điện suối Chiếu và các hồ thủy điện khác. Do vậy, Phù Yên là một trong những địa phương khai thác rất tốt lợi thế diện tích mặt nước, phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là phát triển nghề nuôi cá lồng.

Mô hình nuôi cá lồng của thành viên HTX Thủy sản Bắc Phong, xã Bắc Phong (Phù Yên).

             

Hằng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân 5 xã vùng dọc sông Đà: Tân Phong, Bắc Phong, Tường Phong, Tường Tiến, Nam Phong, khai thác lợi thế vùng lòng hồ để nuôi cá lồng; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc các loại cá; hướng dẫn tu sửa, gia cố bờ ao, ao ươm cá giống...; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản theo Nghị quyết 88/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, kết hợp với nguồn ngân sách của huyện mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Để bảo vệ nguồn thủy sản trên sông, Phù Yên thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đánh bắt thủy sản an toàn, không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để đánh bắt cá; các cơ quan chức năng cũng tăng cường quản lý, giám sát đối với các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn (6 tháng đầu năm, đã đánh bắt 113 tấn cá các loại).

             

Để phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, quy mô lớn, Phù Yên vận động nhân dân liên kết thành lập 5 HTX thủy sản; hướng dẫn các HTX hoạt động theo hướng liên kết sản xuất từ khâu chọn giống, đến chăm sóc, mở rộng thị trường tiêu thụ cá thương phẩm; nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi thử nghiệm các giống cá mới... nhằm đa dạng các loại cá thương phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng đàn cá nuôi. Đến thời điểm này, toàn huyện có 767 lồng cá của các HTX và hộ gia đình; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 288 tấn.

             

Thành lập năm 2017, HTX Thủy sản Bắc Phong (xã Bắc Phong) hiện có 64 thành viên, nuôi 140 lồng cá, chủ yếu là các loại trắm, rô, lăng..., sản lượng ước đạt 4-5 tạ cá/lồng/năm, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng/thành viên. Chị Mùi Thị Ánh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Các thành viên trong HTX  chú trọng nuôi cá theo quy trình VietGAP, bảo đảm các khâu kỹ thuật từ việc chọn cá giống, đến mật độ nuôi thả, rồi lựa chọn các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp... Rất vui là năm 2019, sản phẩm cá lồng của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi đang từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng của HTX, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong huyện và huyện Mộc Châu.

             

Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm mùa mưa lũ và mùa khô, thời tiết rất thất thường, mực nước không ổn định, nhiều lồng cá không kịp di chuyển làm cá bị sặc bùn, bị chết, gây thiệt hại cho bà con. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, do mực nước không đảm bảo, 121 lồng cá của các hộ dân bị ảnh hưởng, làm thiệt hại gần 11 tấn cá nuôi. Trong số này, xã Tường Phong thiệt hại 9,7 tấn, Bắc Phong 1,2 tấn. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nói: Phòng đã phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động bà con không đặt lồng cá ở khu vực gần đầu nguồn nước; chủ động nắm tình hình thời tiết để di chuyển lồng cá kịp thời; phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát các địa điểm có mực nước ổn định để bà con đặt lồng cá; hướng dẫn điều chỉnh mật độ nuôi và lựa chọn giống cá nuôi phù hợp theo mùa vụ; thường xuyên xử lý lồng bè, tu sửa hệ thống bể đẻ, bể ấp, tẩy dọn ao ươm cá giống..., phòng, chống dịch bệnh cho đàn cá nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới