Phát triển kinh tế hợp tác xã ở Phù Yên

Xác định HTX đóng vai trò quan trọng, góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, huyện Phù Yên đã triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

 

HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP.

 

Trên địa bàn huyện Phù Yên hiện có 31 HTX đang hoạt động, với 4.369 thành viên. Trong đó, 24 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 9 HTX hoạt động lĩnh vực xây dựng, tín dụng và dịch vụ thương mại. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX phát triển, huyện đã thành lập tổ tư vấn phát triển HTX, Liên hiệp HTX, hỗ trợ đăng ký thành lập, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đồng thời, khuyến khích các HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy trình VietGAP. Tổ chức rà soát, thống kê các HTX có đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ vốn theo Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, đã hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng cho 19 HTX đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ 272 triệu đồng mua bao bì, nhãn mác đóng gói sản phẩm tiêu thụ và chi trả kinh phí đánh giá, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng HTX Tâm Tín (Gia Phù) được hỗ trợ 800 triệu đồng xây dựng đường vào khu sản xuất theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong các HTX đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Thành lập năm 2016, HTX trồng cam Văn Yên (xã Mường Thải) hiện có 8 thành viên, quy mô sản xuất 15 ha, chủ yếu là trồng cam Vinh, cam đường canh, quýt ngọt, bưởi diễn... các sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng. Sản lượng bình quân đạt 300 tấn/năm, lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2019, HTX được hỗ trợ 900 triệu đồng sản xuất 5 ha cam theo hướng hữu cơ. Từ nguồn hỗ trợ, HTX đã đầu tư phân bón, bao bì đóng gói sản phẩm, tuyên truyền quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

 

Còn tại HTX sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên (xã Tường Phù), với 2 sản phẩm tỏi đen và tỏi khô đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh và được đánh giá đạt 3 sao. Trước đây, HTX hoạt động theo hình thức tổ hợp tác, quy mô sản xuất 6 ha, sản lượng tỏi khô đạt 24 tấn/năm, trung bình mỗi năm chế biến 300kg tỏi thành phẩm. Ngoài ra, còn bán các sản phẩm khác từ tỏi như: Tỏi ngâm mật ong, rượu tỏi đen... Thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Hà Thị Chưng, Giám đốc HTX cho biết: Dù thu nhập khá, nhưng nhận thấy hoạt động theo hình thức tổ hợp tác sẽ khó tiếp cận với các nguồn vốn; khó khăn trong việc giao dịch tiêu thụ sản phẩm... Vì vậy, từ định hướng của chính quyền xã, các cơ quan chuyên môn của huyện, tháng 4/2020, chúng tôi thành lập HTX trên cơ sở tổ HTX, với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất cây tỏi theo hướng bền vững. Hiện tại, HTX có 8 thành viên, tổng số vốn hoạt động 240 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang triển khai liên kết với các hộ dân trong xã và một số xã lân cận để tăng diện tích trồng tỏi lên 30 ha, đảm bảo sản lượng phục vụ chế biến.

 

Tuy nhiên, việc phát triển các HTX trên địa bàn huyện Phù Yên còn gặp khó khăn, như: Một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, lúng túng trong định hướng hoạt động sản xuất; hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; khó tiếp cận vốn đầu tư và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao và mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới