Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở huyện Phù Yên ngày càng phát triển và lan tỏa rong. Qua phong trào, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên.
Nhiều nông dân SXKD giỏi
Từ năm 2012, anh Hà Văn Thuân, bản Băn, xã Mường Cơi, cũng như bà con trong vùng đã chuyển đổi sản xuất sang trồng cây ăn quả, chủ lực là cây cam cho thu nhập cao. Anh Thuân cho biết: Tôi thường xuyên được Hội Nông dân cho tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào mô hình kinh tế gia đình. Nhất là được Hội Nông dân hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm với diện tích 5.000 m². Hiện nay, gia đình tôi có 1 ha cam, hơn 1 ha trồng 250 gốc bưởi, hơn 100 gốc nhãn, vải và hàng chục gốc chanh; tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Từ năm 2012 đến nay, gia đình tôi liên tục đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Hà Văn Thuân, bản Băn, xã Mường Cơi.
Còn chị Hà Thị Nu, ở bản Lằn, xã Mường Do lại gắn bó với cây chè để làm giàu. Ngoài diện tích chè của gia đình, chị đã thầu thêm 2 ha chè của bà con trong xã và thu mua chè búp tươi của 14 hộ trên địa bàn để chế biến chè khô. Chị Nu chia sẻ: Mỗi năm, tôi chế biến khoảng 5-6 tấn búp chè tươi, được hơn 7 tạ chè khô, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn đang chuyển đổi 1.500 m² đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí, cà chua, rau cải theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn trong nhà màng công nghệ Israel được Hội Nông dân hỗ trợ xây dựng với diện tích 300 m².
Nhiều hộ nông dân đã chuyển một số diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rau sạch cho thu nhập cao. Điển hình là các hộ nông dân ở các xã Huy Hạ, Mường Thải, Mường Do đã liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Anh Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX cho biết: Để sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, HTX đã đầu tư xây dựng nhà màng theo công nghệ Israel, có hệ thống tưới nước cảm biến tự động. Hiện HTX có tổng diện tích 10,7 ha (trong đó, 6 ha liên kết với các hộ dân), trồng các loại rau, củ, quả. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường 60 tấn rau, củ, quả các loại; tổng doanh thu hơn 600-800 triệu đồng/năm. Các sản phẩm nông sản an toàn của HTX được cung ứng cho các siêu thị ở Hà Nội và các chợ đầu mối, được nhiều thương lái đến trực tiếp thu mua tại vườn.
Lan tỏa phong trào SXKD giỏi
Hội Nông dân huyện Phù Yên hiện có 26 cơ sở hội, 207 chi hội, với 17.921 hội viên. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Trong năm 2019, toàn huyện có 10.739 hộ đăng ký phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có 2.382 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (4 hộ cấp Trung ương, 80 hộ cấp tỉnh, 371 hộ cấp huyện, 1.927 hộ cấp xã). Trong năm qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp, HTX tổ chức 104 hội nghị đầu bờ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 6.225 lượt nông dân. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cung ứng giống ngô, lúa cho hội viên với phương thức trả chậm. Nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 124 tỷ đồng, cho 3.863 hội viên vay; ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 16 tỷ đồng cho 284 hội viên vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 hệ thống tưới nhỏ giọt cho 500 m² mô hình trồng cây ăn quả tại bản Băn, xã Mường Cơi, trị giá 35 triệu đồng; 1 nhà màng tại bản Lằn, xã Mường Do trồng rau củ, quả với diện tích 300 m², trị giá 75 triệu đồng. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng 14 mô hình trồng trọt, 13 mô hình chăn nuôi, 7 mô hình thủy sản, 5 mô hình dịch vụ và ngành nghề gắn với tiêu thu sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện hướng dẫn thành lập mới 4 HTX và 11 tổ hợp tác; hiện, toàn huyện có 6 HTX trồng cây ăn quả và cây công nghiệp với tổng diện tích trên 137 ha... Phong trào thi đua sản xuất đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, điển hình như: HTX trồng cam Văn Yên; HTX Mường Tấc; HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng; HTX chanh leo Bản Lằn; HTX chanh leo Khu Han; HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Châu; HTX Tâm Tín Gia Phù trồng gai xanh... Mô hình trồng cây chanh leo gắn với bao tiêu sản phẩm với quy mô 154 ha tại các xã vùng Mường đã mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/ha; Mô hình trồng cây ăn quả có múi (tập trung là cam, bưởi), quy mô 600 ha, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha...
Để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát huy hiệu quả, Hội Nông dân huyện Phù Yên tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ cho hội viên, nông dân, nhất là hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế điển hình, phù hợp với mỗi địa phương...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!