Với tinh thần “Thanh niên không đói nghèo”, những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức đoàn các cấp, nhiều thanh niên ở huyện Phù Yên đã khắc phục khó khăn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Mô hình nuôi cá của đoàn viên Lường Văn Bái, xã Tường Tiến (Phù Yên).
Được Huyện đoàn Phù Yên giới thiệu, chúng tôi về thăm một số mô hình kinh tế tiêu biểu của đoàn viên thanh niên ở các xã trong huyện. Điểm dừng chân đầu tiên là mô hình kinh tế của đoàn viên Lường Văn Bái, Chi đoàn bản Pá (xã Tường Tiến). Qua trò chuyện được biết, năm 2017, với 50 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình, anh đầu tư 5 lồng nuôi cá trên hồ thủy điện Hòa Bình, đến nay đã phát triển lên 6 lồng cá thương phẩm, 2 lồng cá giống, sản lượng đạt 2,4 tấn cá thương phẩm/năm, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng. Để liên kết trong sản xuất, năm 2019, anh vận động 17 hộ dân trong xã thành lập HTX cá lồng Tường Tiến do anh làm giám đốc. Hiện nay, quy mô sản xuất của HTX có 32 lồng cá các loại; thu nhập đạt 5 triệu đồng/thành viên/tháng. Anh Bái cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá thương phẩm và cá giống để phục vụ nhu cầu nuôi cá lồng của người dân trên địa bàn.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình trồng sả Java của đoàn viên Đinh Văn Thế, Chi đoàn bản Cứu (xã Huy Thượng), là Giám đốc của HTX Toàn Thắng. Năm 2020, anh Thế vận động 10 ĐVTN trong bản liên kết thành lập HTX trồng sả, quy mô sản xuất 26 ha. Với sự hỗ trợ của tổ chức đoàn, HTX vay gần 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để xây dựng lò chiết xuất tinh dầu sả và mua giống. Theo tính toán của các thành viên, chi phí đầu tư 1 ha sả khoảng 15-17 triệu đồng, năm đầu thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha, từ năm thứ 2 trở đi cho thu nhập cao gấp 2-3 lần và khoảng 5 năm mới phải trồng lại.
Năm 2017, anh Lường Văn Mạnh, đoàn viên Chi đoàn bản Tường Han (xã Mường Do) quyết định đầu tư 60 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để làm giàn, cột và mua 600 cây giống chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trồng trên 1,2 ha đất trồng ngô trước đây. Sau 5 tháng chăm sóc, đợt thu hoạch đầu tiên được hơn 8 tấn quả, thu gần 100 triệu đồng. Dẫn chúng tôi thăm vườn chanh leo, anh Mạnh chia sẻ: Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm quả đẹp, to đều, bán được giá. Thu nhập ổn định từ chanh leo, tôi tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả và thu mua chanh leo cho bà con trong xã. Hiện nay, ngoài 1,2 ha cây chanh leo, gia đình còn trồng gần 400 cây bưởi, 1 ha cây sachi, nuôi 14 con bò, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Trao đổi với anh Lê Ngọc Sơn, Phó Bí thư Huyện đoàn Phù Yên được biết, trên địa bàn huyện có trên 5.700 đoàn viên, sinh hoạt tại 44 đoàn cơ sở trực thuộc và 350 chi đoàn. Đồng hành, tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, các cơ sở đoàn trong huyện đã hỗ trợ đắc lực cho thanh niên trong việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 2.300 ĐVTN vay vốn, với tổng dư nợ hơn 83 tỷ đồng. Vận động ĐVTN liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX, tạo chuỗi liên kết giá trị, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
Tuy cách khởi nghiệp khác nhau, nhưng đều thể hiện tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương Phù Yên phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!