Những nông dân sản xuất giỏi trên đồng đất Phù Hoa

Phát huy phẩm chất cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những người nông dân ở huyện Phù Yên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Phá thế độc canh cây lúa

                 

Nhắc đến Phù Yên, người ta nghĩ ngay đến vựa lúa Mường Tấc. Bây giờ bà con nông dân không chỉ thâm canh lúa nước, mà còn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rất hiệu quả. Một trong những loại cây trồng đó là cây tỏi - một loại nông sản đặc trưng với hương vị cay nồng, đậm đà, khác biệt với các loại tỏi khác. Từ chỉ là một loại gia vị truyền thống, bây giờ củ tỏi với nhiều sản phẩm khác nhau, đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.

 

 

 

Vùng cây ăn quả của người dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên).

                 

Thật bất ngờ, khi đến HTX sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên, tọa lạc trên địa phận xã Tường Phù, chúng tôi được “thực mục, sở thị” nhiều sản phẩm chế biến từ tỏi với bao bì, nhãn mác rất bắt mắt. Giám đốc HTX, chị Hà Thị Chưng, một nông dân gắn bó với cây tỏi đã hơn 10 năm, nói với chúng tôi: HTX thành lập tháng 4/2020, tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên. HTX hiện có 8 thành viên, chuyên trồng, chế biến các sản phẩm từ tỏi, như: Tỏi cô đơn, tỏi đen, tỏi nhánh, rượu tỏi đen, tỏi ngâm mật ong, tinh dầu tỏi... Để cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, các thành viên HTX đã đầu tư các loại máy móc, sản xuất tỏi theo quy trình an toàn từ khâu lựa chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến. Hiện 2 sản phẩm tỏi đen, tỏi khô của HTX được lựa chọn làm sản phẩm OCOP của tỉnh, chất lượng được đánh giá 3 sao, là cơ hội để chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm giá trị cây tỏi, góp phần giúp bà con nông dân thoát nghèo. Dự kiến vụ tỏi năm nay, HTX liên kết với các hộ dân trồng khoảng 50 ha, đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến.

 

 

 

Các sản phẩm chế biến từ củ tỏi của HTX sản xuất, kinh doanh tỏi Phù Yên.

                 

Không chỉ cây tỏi, trên cánh đồng Mường Tấc còn có những thửa ruộng được trồng rau màu quanh năm, mà mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ ở HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc là một ví dụ. Đây là mô hình mới nhưng đã mang lại kết quả tích cực, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường trong và ngoài huyện. Đưa chúng tôi thăm mô hình, ông Nguyễn Ngọc Chựa, Giám đốc HTX, giới thiệu: HTX hiện có 12 thành viên, chúng tôi sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa; năm 2018, HTX triển khai mô hình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học thay thuốc trừ sâu. HTX đã vận động các hộ dân góp đất, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu ở khu cánh đồng Lùng, xã Huy Hạ và xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước tự động. Chúng tôi hiện có 2 ha trồng rau đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện giờ, HTX  có 2 ha trồng rau được công nhận  sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trồng chủ yếu các loại rau, củ ngắn ngày và theo mùa, như: Mồng tơi, hành, cà chua, cà tím, bí, xà lách, đậu, đỗ... Rau trồng theo hướng hữu cơ có lá dày, thân giòn, tươi lâu, dễ bảo quản, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất ra thị trường trên 50 tấn rau, củ, quả các loại, qua chợ đầu mối, một số siêu thị tại Hà Nội, tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với hơn 20 hộ nông dân trồng rau trên khu vực cánh đống Mường Tấc, các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và được HTX thu mua bao tiêu sản phẩm... 

                 

Chi hội trưởng nông dân đa tài

                 

Rời Mường Tấc, chúng tôi sang xã Mường Cơi, đến bản Nghĩa Hưng để gặp anh Nguyễn Văn Sử, Chi hội trưởng Hội Nông dân. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chẳng ai nghĩ chàng thanh niên này đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng cam, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bất ngờ hơn, ở lứa 8X mà Sử đã giữ cương vị Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Nghĩa Hưng hơn 10 năm nay. 

 

 

 

Trồng rau theo hướng hữu cơ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc.

                 

 Cùng chúng tôi đi thăm đồi quýt ngọt của gia đình, Sử nhỏ nhẹ kể: Qua các lớp tập huấn, tìm hiểu trên sách báo và trực tiếp đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng quýt ngọt trong và ngoài tỉnh, năm 2010, tôi quyết định chuyển đổi 1,5 ha trồng ngô sang trồng quýt ngọt. Ngày đó, nhiều người ái ngại, có người còn bảo tôi là “ngựa non háu đá”, bởi chẳng ai tin cây quýt có thể sống được trên đất đồi sỏi đá. Kiên tâm vừa làm, vừa học hỏi, đất chẳng phụ công người, sau 3 năm vườn quýt đã cho thu hoạch, vụ đầu tiên thu về hơn 10 tấn quả. Năm 2019, nhà tôi thu được 45 tấn, trừ hết mọi chi phí, tôi vẫn lãi hơn 900 triệu đồng.

 

 

 

Mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi.

                 

Từ thành công của Sử, nhiều hộ dân trong bản, xã đến học tập làm theo. Hiện nay, bản Nghĩa Hưng đã có tới 60 ha cây ăn quả có múi, trở thành nguồn thu nhập cao của người dân. Tháng 8/2018, anh Sử và một số hộ quyết định đăng ký thành lập HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng và anh được phân công làm Phó Giám đốc. Vẫn phong cách giản dị, chân chất của người nông dân, anh Sử bảo: Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giữ uy tín đối với khách hàng, từng bước xây dựng thương hiệu của HTX, ngoài hỗ trợ của các cấp, các ngành, Ban Giám đốc HTX luôn cùng nhau bàn bạc, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm hoa quả; hiện nay toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của HTX được công nhận tiêu chuẩn VietGAP...

                 

Được biết, HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng hiện có 11 thành viên, trồng 28,5 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam đường canh, quýt Thái, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh... Sản lượng các loại quả năm 2019 đạt 150 tấn, doanh thu trên 3,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân thành viên đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. HTX đang vận động thêm bà con trồng cây ăn quả trên địa bàn tham gia HTX. Đặc biệt, HTX giám sát rất chặt chẽ việc chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP của các thành viên, bảo đảm đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng, nâng cao uy tín sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm quả của HTX. Ngoài trồng cây ăn quả có múi, Sử còn đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm chuồng trại nuôi 100 đôi dúi giống; đầu tư chăm sóc giàn hoa lan với nhiều loại quý hiếm, trong tương lai không xa sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Đồng thời, mở ra thêm những hướng sản xuất, kinh doanh mới để bà con nghiên cứu, học tập nhân rộng.

                 

Lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

                 

Trao đổi về những nông dân sản xuất giỏi trên vùng đất Phù Hoa, ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện rất tự hào: Đó chỉ là một số gương mặt tiêu biểu trong hơn 2.250 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của huyện. Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần phát huy các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn; hội viên nông dân khai thác tốt tiềm năng về đất đai, lao động và nguồn vốn của gia đình..., ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến mới trên tất cả các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa.

                 

Đồng hành với bà con nông dân, 5 năm gần đây, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 475 hội nghị tập huấn xây dựng, nhân diện mô hình; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hơn 31.000 lượt hội viên. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cung ứng 60 tấn phân bón, giống cây trồng các loại, thuốc bảo vệ thực vật trị giá hơn 7,5 tỷ đồng. Cùng với đó, để việc sản xuất có quy mô, vốn cho sản xuất, kinh doanh, Hội nhận ủy thác gần 125 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp hơn 4.200 hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; thỏa thuận với Ngân hàng NN&PTNT giúp 203 hộ vay 16,5 tỷ đồng xây dựng các mô hình kinh tế... Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân có điều kiện vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

                 

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã thực sự lan tỏa với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần xây dựng vùng đất Phù Hoa ngày càng giàu đẹp.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới