Ở xã Quang Huy (Phù Yên) nghề trồng nấm đã được nông dân duy trì từ nhiều năm nay. Thay vì đốt rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng như trước đây, trong lúc nông nhàn chờ vụ lúa mới, nhiều hộ nông dân đã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có này để phát triển nghề trồng nấm, mang lại thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Mô hình trồng nấm của người dân bản Mo 1, xã Quang Huy (Phù Yên).
Đến gia đình ông Lò Văn Thắm, ở bản Mo 1, một trong những hộ đầu tiên trồng nấm ở Quang Huy, đưa chúng tôi đi thăm mô hình, ông Thắm chia sẻ: Năm 2000, tôi xuống Viện Di truyền Nông nghiệp (Hà Nội) học nghề trồng nấm trong 2 tháng. Sau khi nắm được kỹ thuật, tôi về dựng trại và mua phôi nấm về trồng thử. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau vài lần thất bại, tôi nhận thấy phải chủ động kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng cho phù hợp. Khâu ủ rơm cũng phải đúng cách, xử lý sạch hoàn toàn mầm bệnh, nhờ vậy mà nấm sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao. Hiện, gia đình trồng 2.000 bịch nấm các loại, chủ yếu là nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, thu được 8 lứa/năm, sản lượng trên 6 tấn, với giá bán 70 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về hơn 300 triệu đồng.
Nhanh nhạy, ham học hỏi, chị Nguyễn Thị Hằng, ở bản Chiềng Hạ, cũng triển khai mô hình trồng nấm từ năm 2005, xuất phát trong một lần tình cờ xem giới thiệu cách trồng nấm trên truyền hình, chị liền bàn với chồng trồng thử và được ủng hộ ngay. Để thực hiện, chị Hằng “khăn gói” xuống Hà Nội học sơ cấp nghề nông lâm tổng hợp, kiểu thực hành “cầm tay chỉ việc” trong 3 tháng. Kết thúc khóa học, chị trở về dựng nhà trại, ủ rơm, đóng mô và mua phôi nấm về cấy giống. Lợi thế của việc trồng nấm trong nhà là quản lý được độ ẩm, không phụ thuộc vào thời tiết, nên nấm sinh trưởng và phát triển khá tốt. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ mất từ 12 đến 15 ngày và sau 1 tuần là ra tiếp đợt 2. Một năm chị Hằng làm 10 đợt nấm, khoảng 300 kg giống, sản lượng đạt 1 tấn nấm rơm thành phẩm, với giá 150 nghìn đồng/kg, thu về 150 triệu đồng. Chị Hằng chia sẻ: Nấm sau khi thu vẫn tiếp tục phát triển, nếu để thêm vài tiếng, từ giai đoạn hình trứng sẽ bị nở ô, vì vậy cần tiêu thụ nhanh trong vòng 3 đến 4 tiếng, nên cứ thu hoạch được đến đâu, tôi mang ra chợ ngồi bán lẻ hết đến đấy, ngoài ra, tôi còn bán buôn cho các nhà hàng, quán ăn. Nấm rơm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rất an toàn, nên nhu cầu thị trường ngày càng nhiều. Hiện, có nhiều khách hàng hỏi nhưng không đủ nấm bán, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm trại trồng nấm.
Trao đổi với ông Lò Tiến Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Huy, được biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng gần chục hộ trồng nấm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm sản xuất, thời gian qua, xã đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải quyết cho các hộ trồng nấm vay vốn, cũng như hỗ trợ kỹ thuật để nhân rộng mô hình. Qua thực tiễn cho thấy, trồng nấm chi phí sản xuất thấp, không mất nhiều công chăm sóc, nên đã giúp người trồng thu được lợi nhuận cao, đây được coi là hướng đi tốt cho phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên, việc sản xuất nấm ở xã vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa có sự liên kết sản xuất. Các sản phẩm hầu hết do các hộ dân bán nhỏ lẻ, tiêu thụ trên thị trường trong huyện là chính. Bên cạnh đó, các chủng loại nấm vẫn chưa đa dạng, các sản phẩm nấm không giữ được lâu, trong khi hầu hết người trồng nấm trên địa bàn chưa có điều kiện đầu tư công nghệ bảo quản.
Để nghề trồng nấm phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho bà con, rất mong cấp ủy, chính quyền xã Quang Huy quan tâm, phối hợp mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm hiệu quả cho người dân. Đồng thời, khuyến khích bà con thành lập tổ hợp tác liên kết tạo đầu ra ổn định, qua đó, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển đa dạng các chủng loại nấm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!