Nhiều năm trở lại đây, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình luôn được người dân bản Nà Phái, xã Huy Bắc (Phù Yên) quan tâm thực hiện, nhờ đó, trong bản không có hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên; việc sinh ít con giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cán bộ dân số Trạm Y tế xã Huy Bắc (Phù Yên) tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại bản Nà Phái.
Bản Nà Phái hiện có 122 hộ dân, 578 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Mường, Dao, Thái sinh sống. Trước đây, do phong tục, tập quán, nhiều gia đình đều có quan niệm sinh nhiều con, sinh con trai để nối dõi tông đường, có “đủ nếp đủ tẻ” nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng dân số, cấp ủy, ban quản lý, các đoàn thể và cộng tác viên dân số của bản đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số; vận động người dân thực hiện sinh đẻ kế hoạch; tổ chức ký cam kết thực hiện không sinh con thứ 3 với các hộ dân; đưa tiêu chí không sinh con thứ 3 vào quy ước, hương ước của bản. Cùng với đó, các hoạt động truyền thông, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, như Chi hội Phụ nữ phối hợp với cộng tác viên dân số của xã, bản tư vấn cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; cung cấp phương tiện tránh thai cho những người có nhu cầu; xây dựng mô hình “gia đình hạnh phúc” để chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc gia đình.
Vợ chồng anh Sa Đại Dương và chị Đinh Thị Nhung đã sinh 2 con gái, vợ chồng đều còn trẻ, nhiều lần nghe người nhà thúc giục cố gắng sinh thêm con trai để nối dõi, hai vợ chồng cũng thấy xuôi xuôi. Anh chị tâm sự: Năm 2015, hai vợ chồng có kế hoạch định sinh thêm con, nhưng được cộng tác viên dân số và chi hội phụ nữ bản đã đến tuyên truyền, phân tích, giải thích, hiểu được ý nghĩa của việc sinh ít con. Từ đó, cả hai vợ chồng đã thay đổi nhận thức con nào cũng là con, quan trọng là phải nuôi dạy cho tốt, nên đã quyết định không sinh thêm con nữa. Còn chị Hà Thị Dinh, bản Nà Phái, chia sẻ: Ngày trước bố mẹ đẻ nhiều, nên không có điều kiện cho các con học tập đến nơi đến chốn. Cùng với được tuyên truyền, vận động vợ chồng tôi quyết định dừng lại ở việc sinh hai con, để có thời gian tập trung phát triển kinh tế, chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ, ông bà.
16 năm gắn bó làm cộng tác viên dân số của bản, bà Hà Thị Ít, phấn khởi nói: Từ ngày tôi làm cộng tác viên dân số, thì trong bản chỉ có 2 trường hợp sinh con thứ 3 vào năm 2010 và năm 2015. Bây giờ quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, “đủ nếp, đủ tẻ” đã lạc hậu với người dân ở Nà Phái. Đẻ con ít, nuôi dạy con ngoan, kinh tế phát triển mới là ưu tiên hàng đầu của người dân Nà Phái hôm nay. Mọi người dân đều tự nguyện thực hiện việc sinh đẻ kế hoạch, trẻ sinh ra dù gái hay trai đều được gia đình tôn trọng và được chăm sóc, giáo dục bình đẳng. Hiện, bản có 80 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, gần 10 cặp vợ chồng sinh con một bề, nhưng không sinh thêm con; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường.
Nhờ làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, cuộc sống của người dân Nà Phái ngày càng khởi sắc, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, hiện bản chỉ còn 4 hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm. Đó là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, giảm sinh để nâng cao chất lượng dân số và phát triển kinh tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!