Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây, xã Mường Do, huyện Phù Yên đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo cho người dân.
Mô hình trồng cây chanh leo tại xã Mường Do (Phù Yên).
Trở lại Mường Do, cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, màu xanh của những cánh rừng, đồi cây ăn quả hiện hữu khắp nơi. HTX Đồng Tiến, bản Lằn là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. HTX vừa đầu tư xây dựng nhà màng, hệ thống phun sương, tưới nhỏ giọt. Anh Hà Văn Đức, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với mong muốn phát triển kinh tế thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tháng 4/2021, chúng tôi đầu tư 300 triệu đồng làm 1.200 m² nhà màng để trồng cà chua trái vụ và trồng thử nghiệm dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc. Sau hơn 3 tháng thí điểm hai loại dưa này phát triển tốt. Đặc biệt, 1.000 m² nhà lưới trồng cà chua trái vụ cho thu hoạch 3 tấn quả, với giá bán bình quân từ 15-20 nghìn đồng/kg tùy theo kích cỡ, mang lại thu nhập rất cao. Với những hiệu quả đem lại, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1.500 m² hệ thống nhà màng để mở rộng sản xuất.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở xã Mường Do có độ dốc thấp, tương đối bằng phẳng, đất đai giàu dinh dưỡng, khí hậu mát mẻ thích hợp cho phát triển nhiều loại cây ôn đới; tỷ lệ che phủ rừng cao, có nhiều con suối nhỏ có thể cung cấp nước tưới quanh năm. Những năm gần đây, cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã đã có những thay đổi đáng kể. Cùng với thâm canh gần 900 ha cây lương thực có hạt, Mường Do chú trọng bảo tồn, gìn giữ 5 ha chè shan tuyết với khoảng 11.000 gốc chè cổ thụ; thành lập tổ hợp tác sản xuất chè sạch gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Đồng thời, khoanh nuôi bảo vệ tốt gần 6.500 ha rừng hiện có. 5 năm gần đây, Mường Do trồng mới hơn 170 ha rừng kinh tế, nâng độ che phủ của rừng lên 72%. Chăn nuôi được quan tâm phát triển, đẩy mạnh đầu tư theo mô hình trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổng đàn gia súc hiện có hơn 4.000 con, đàn gia cầm trên 22 nghìn con.
Để giúp người dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Mường Do chú trọng thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; vận động người dân liên kết thành lập các HTX nông nghiệp, hiện trên địa bàn có 2 HTX, 1 tổ hợp tác...
Sau 4 năm đưa vào trồng, cây chanh leo đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác và trở thành cây trồng chủ lực của xã với hơn 50 ha. Bên cạnh đó, tháng 3/2021 xã đã liên kết với Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước triển khai mô hình trồng cây gai xanh, đã trồng được trên 18 ha. Theo hình thức doanh nghiệp cung ứng cây giống, phân bón bằng hình thức vay trả chậm và chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với việc năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 44,9% năm 2016 xuống 20,6% năm 2020. Đây là con số đáng ghi nhận đối một xã vùng 3 còn nhiều khó khăn như Mường Do.
Trao đổi với ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết thêm: Trong thời gian tới, Mường Do tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo bám sát theo các đề án của huyện, kế hoạch của Đảng ủy trong định hướng phát triển nông nghiệp, mở rộng diện tích chanh leo lên 70 ha, tiếp tục nhân rộng mô hình công nghệ cao, nâng tổng diện tích nhà màng lên 2.500 m², nhân rộng mô hình liên kết trồng cây gai xanh lên trên 50 ha; xây dựng mô hình trồng cây dược liệu từ cây chè dây; mô hình nuôi dúi sinh sản, dúi thương phẩm, chăn nuôi bò,... góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!