Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Bang (Phù Yên) đã phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, của huyện và khai thác lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống.
Người dân bản Sọc, xã Mường Bang (Phù Yên) chăm sóc lúa mùa.
Ông Phùng Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Mường Bang, cho biết: Xã có 1.100 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất đồi núi dốc. Đời sống nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Với sự quan tâm của các cấp, xã Mường Bang đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Đảng ủy xã định hướng phát triển kinh tế của địa phương, đó là chuyển đổi dần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang một số loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá các điều kiện tự nhiên phù hợp với loại cây trồng ở từng bản, để khuyến khích, hướng dẫn nhân dân mở rộng diện tích. Tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình phát triển cây lâm nghiệp bằng các loại cây tếch và xoan để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đồng thời, chỉ đạo ban quản lý các bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng...
Các tổ chức đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho các hộ dân vay vốn, với tổng dư nợ hiện gần 26 tỷ đồng để đầu tư trồng mới diện tích cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Từ năm 2020 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 30a, Chương trình 135 xã đã hỗ trợ giống bò sinh sản cho 77 hộ nghèo, với tổng kinh phí 885 triệu đồng.
Toàn xã trồng thâm canh hơn 500 ha cây lương thực có hạt với các giống lúa: DT66; đài thơm 8; nếp 86; nếp DT52; các giống ngô lai... Năng suất bình quân cây có hạt đạt 63 tạ/ha. Ngoài ra, tận dụng một số khu ruộng trồng lúa không đủ nước sản xuất vụ chiêm để trồng 14 ha lạc, khoai sọ. Đặc biệt, xã đã liên kết với một số doanh nghiệp tiến hành khảo sát và trồng thử nghiệm 14 ha cây gai xanh, để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất sợi dệt. Tiến hành cải tạo 160 ha vườn tạp, với một số loại cây ăn quả vùng nóng như cam, xoài, nhãn.
Với lợi thế có nhiều phiêng bãi độ dốc không quá lớn, phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, một số hộ dân trong xã đã tiến hành rào chắn để tạo thành bãi chăn thả đại gia súc; tận dụng 13,6 ha đất bạc màu trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi gia súc; sử dụng một số phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, như rơm rạ, thân cây ngô... để ủ chua, dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông... Hiện Mường Bang có gần 5.300 con gia súc và hơn 19.000 con gia cầm các loại.
Bản Sọc có gần 80 ha ruộng được bà con gieo cấy các loại giống lúa: DT66; lúa đài thơm 8; nếp 86, sản lượng đạt 400 tấn thóc/năm. Đồng thời, chuyển 15 ha trồng các loại cây lương thực ngắn năng suất thấp sang trồng cây xoài, nhãn, vải. Bà con trồng thêm 3 ha cỏ voi lấy thức ăn chăn nuôi gần 500 con trâu, bò. Ông Phùng Văn Quy, Trưởng bản Sọc, cho hay: Bản đã thống nhất sử dụng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của bản hàng năm với khoảng 150 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ để đầu tư kiên cố hóa 4 km kênh mương nội đồng và đường ống dẫn nước cung cấp nước tưới cho diện tích cây ăn quả.
Nhiều mô hình kinh tế đã được nhân rộng, gia đình ông Phùng Văn Khuân, bản Cải lựa chọn nghề trồng cây lâm nghiệp. Ông Khuân nói: Nhờ chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất và tiền dịch vụ môi trường rừng, tôi trồng 8.000 m² tếch và xoan. Dự kiến, tôi mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp thêm 2.000 m² thay cho các loại cây ngô, sắn kém hiệu quả.
Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và quyết tâm thoát nghèo của nhân dân trong xã, tin rằng, Mường Bang sẽ bứt phá vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!