Kim Bon nỗ lực thoát nghèo

Cách trung tâm huyện 40 km, Kim Bon là một trong những xã vùng III khó khăn của huyện Phù Yên. Những năm qua, để giúp người dân phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao mức sống và thoát nghèo bền vững.

 

Cán bộ xã Kim Bon (Phù Yên) hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây ăn quả.

 

Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã bám sát các chủ trương của huyện, của tỉnh, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang canh tác, trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa... Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân; tạo điều kiện để bà con tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế... Ông Bàn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án Nhà nước hỗ trợ, xã tư vấn, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương để phát triển, chú trọng những loại cây trồng chủ lực..., toàn xã hiện đang canh tác 56 ha ruộng một vụ, 1.340 ha ngô, 259 ha lúa nương, 166 ha sắn, 35 ha dong riềng...; sản lượng lương thực đạt trên 1.760 tấn/năm. Ngoài ra, chuyển đổi diện tích trước đây trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 9 ha xoài, 9 ha mắc ca, 8 ha chanh leo. Hiện giờ, xoài và mắc ca đang phát triển tốt; riêng chanh leo đã thu 9 tấn quả trong năm 2019..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã từ 48% năm 2017 xuống 37,3%.

Với lợi thế có nhiều phiêng bãi tự nhiên, phù hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc, xã Kim Bon hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa; chủ động rào chắn khoanh vùng chăn nuôi tại một số bãi, đồi cách xa khu vực sản xuất, gieo trồng của người dân; thường xuyên đưa cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, hội nông dân xã về các bản hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc trâu, bò sinh sản, trồng cỏ và cách thức dự trữ, ủ chua thức ăn, tiến hành tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi... Từ năm 2016 đến nay, các chương trình 135, 30a của Nhà nước đã hỗ trợ cho bà con hơn 350 con dê, bò, hiện đã phát triển thêm 126 con bê, dê con, tập trung ở các bản: Suối Vạch, Dằn B, Kim Bon, Suối Pa...; duy trì chăm sóc 3.910 con trâu, bò, 100 con ngựa, 1.481 con dê, 2.444 con lợn trên 2 tháng tuổi và 16.825 con gia cầm các loại.

Gia đình chị Đặng Thị Thu, bản Suối Bương là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở xã Kim Bon trồng thử nghiệm cây chanh leo. Năm 2017, được cán bộ xã giới thiệu, gia đình chị mua 500 gốc chanh leo về trồng trên 1 ha; được cán bộ khuyến nông huyện và nhân viên kỹ thuật của Công ty CP Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu) hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo phát triển rất tốt, vụ vừa rồi nhà chị thu được hơn 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Đây là cây trồng đem lại thu nhập khá nên không chỉ gia đình chị Thu mà nhiều gia đình khác trong bản cũng đã và đang phát triển cây chanh leo. Chị Thu cũng đang dự định chuyển diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 8.000 m² cây cam và 2 ha cây lâm nghiệp.

Tuy nhiên hiện nay, Kim Bon đang đối diện một số khó khăn bởi thiếu vốn đầu tư; chăn nuôi còn mang tính chất nhỏ lẻ; đường giao thông đến một số bản chỉ đi được một mùa; 5/8 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia nên hạn chế trong việc học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất... Kim Bon rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới