Những năm gần đây, nhận thức của người dân bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên) về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt. Rừng có chủ, người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không còn tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, không để xảy ra cháy rừng.
Tổ bảo vệ rừng bản Chiếu phối hợp với cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng.
(Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Chúng tôi đến bản Chiếu đúng vào dịp tổ quản lý bảo vệ rừng của bản phối hợp với cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa thực hiện tuần tra bảo vệ rừng. Trưởng bản Mùi Văn Lãm, thông tin: Tổ bảo vệ rừng có 19 người, đều là lực lượng thanh niên và dân quân. Bản vừa trích tiền được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng để may đồng phục cho anh em và bổ sung đầy đủ dụng cụ phục vụ tuần tra bảo vệ rừng. Những cuộc tuần tra như thế này, sẽ giúp bản và lực lượng kiểm lâm phát hiện sớm, xử lý kịp thời những hành vi xâm hại rừng.
Bản Chiếu có 131 hộ, trên 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây, công tác bảo vệ rừng ở bản Chiếu gặp nhiều khó khăn, do áp lực về đất sản xuất, cả bản chỉ có 9,5 ha ruộng nước, nên tình trạng phá rừng làm nương vẫn còn xảy ra. Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản đã có điều kiện giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, từng bước giảm phụ thuộc vào việc khai thác rừng. Đồng thời, Ban quản lý bản tích cực phối hợp với cán bộ kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đến người dân. Qua đó, bà con đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tham gia quản lý bảo vệ rừng, gắn bó với rừng.
Trưởng bản Mùi Văn Lãm cho biết thêm: Bản Chiếu hiện có 475 ha rừng được giao cho cộng đồng bản quản lý. Ngoài ra, bản còn nhận khoán khoanh nuôi bản vệ 1.113 ha rừng đặc dụng với Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa. Trung bình mỗi năm, bản được chi trả từ 300-400 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng và tiền khoán bảo vệ rừng. Đây là số tiền không hề nhỏ, giúp bản thực hiện được nhiều chương trình mà trước đây đều phải huy động sự đóng góp của bà con dân bản. Để bảo đảm sự công khai, minh bạch trong chi tiêu tiền dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý bản xây dựng phương án, lấy ý kiến của nhân dân và được sự đồng ý của chính quyền xã.
Hiện nay, cùng với xây dựng quy chế bảo vệ rừng của bản, tiền dịch vụ môi trường rừng được ưu tiên chi phục vụ công tác bảo vệ rừng, mua dụng cụ tuần tra, PCCCR, hỗ trợ tổ bảo vệ rừng và trích một phần để xây dựng các công trình nhà văn hóa bản, sân thể thao, tu sửa nâng cấp hệ thống thủy lợi, bê tông hóa đường nội bản theo chương trình xây dựng nông thôn mới và chi trả trực tiếp cho các hộ tham gia bảo vệ rừng. Điều quan trọng là việc sử dụng số tiền được chi trả bảo đảm đúng mục đích, vừa tạo thêm sinh kế cho người dân từ nghề rừng và xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất.
Anh Hoàng Việt, cán bộ Trạm kiểm lâm bản Chiếu (Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa) thường xuyên tham gia các cuộc tuần tra cùng với tổ bảo vệ rừng của bản, cho biết: Sự phối hợp giữa Ban quản lý bản với cán bộ kiểm lâm rất chặt chẽ, nhất là việc trao đổi thông tin, cập nhật tình hình diễn biến tài nguyên rừng, những nguy cơ xảy ra vi phạm, để có những biện pháp xử lý kịp thời. Tổ quản lý bảo vệ rừng của bản là những người nắm rõ địa bàn, hiểu phong tục tập quán của bà con, nên rất thuận lợi trong việc tuyên truyền các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của bản về bảo vệ, PCCCR. Đặc biệt, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng được nâng lên, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, nhiều năm qua bản Chiếu không để xảy ra cháy rừng.
Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng, không chỉ giúp bà con bản Chiếu nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, mà còn tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!