Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, diện mạo nông thôn của xã Huy Tường (Phù Yên) ngày càng thay đổi tích cực.
Mô hình trồng sả của nhân dân bản Tiến Phong, xã Huy Tường.
Xã Huy Tường có 6 bản, với 640 hộ, 2.866 nhân khẩu đồng bào Thái và Dao cùng chung sống. Qua rà soát, hiện nay xã còn 316 hộ nghèo và cận nghèo, đây là bài toán đặt ra với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Để giảm nhanh số hộ nghèo, xã đã xây dựng định hướng phát triển kinh tế, trong đó, 4 bản vùng thấp có diện tích đất bằng phẳng, tập trung trồng cây ăn quả, cây lương thực, dược liệu, nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt, nuôi gà thả vườn, nuôi vịt trời, nuôi cá. Đối với 2 bản đồng bào dân tộc Dao vùng cao nhiều nương đồi, phiêng bãi thì tham gia trồng rừng theo các dự án, nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, để giúp các hộ thay đổi tư duy sản xuất, xã đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng thử nghiệm 3,5 ha thanh long tại bản Tiến Phong và 23 ha sả lấy lá tại bản Tiến Phong và bản Suối Pai. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Chi nhánh huyện giải ngân trên 33,7 tỷ đồng cho các hộ dân vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Đến nay, ngoài duy trì thâm canh trên 90 ha lúa, 25 ha ngô, 15 ha sắn, 12 ha rau màu các loại, xã đã trồng được 67 ha cây ăn quả các loại; khoanh nuôi bảo vệ trên 900 ha rừng; phát triển chăn nuôi với 2.900 con gia súc, hơn 23.000 con gia cầm; một số mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Hà Văn Thâm, bản Tiến Phong là 1 trong 42 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của xã. Ông Thâm cho biết: Năm 2007, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho gia đình vay 50 triệu từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện, gia đình đầu tư 24 đôi nhím đẻ, mỗi năm bán nhím giống và nhím thịt thu về hơn 150 triệu đồng. Với số tiền tích lũy từ nuôi nhím, gia đình tôi đã mở cửa hàng tạp hóa và chăn nuôi 4 con trâu, hơn 150 con gia cầm, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Trao đổi với ông Vì Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết, hằng năm xã đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động; vận động 515 lao động địa phương tham gia làm việc tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, duy trì hoạt động 1 hợp tác xã với 63 thành viên; khuyến khích, phát triển dịch vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, vận tải hàng hóa, chế biến thực phẩm.
Thời gian tới, xã Huy Tường tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Khuyến khích bà con thực hiện nhóm hộ chăn nuôi tập trung tại 3 bản: Muống Thượng, Tiến Phong, Tân Cóng; chuyển đổi 31 ha đất trồng hoa mầu không hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3%.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!