Thời điểm này, về huyện Phù Yên, ngay từ sáng sớm, ánh bình minh đã trải vàng trên những thửa ruộng, bà con hối hả ra đồng chăm bón lúa đợt 1. Sự cần mẫn, những giọt mồ hôi của những người nông dân vùng đất Phù Hoa như hòa vào đất, làm cho hạt lúa thêm ngon, thêm mẩy, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Người dân bản Cang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên bón phân cho lúa mùa.
Vụ mùa năm nay, huyện Phù Yên đã hoàn thành gieo cấy hơn 2.400 ha lúa vào đầu tháng 8, cơ cấu giống chủ yếu, gồm: J01, J02, Đài Thơm 8, BC15... có khả năng chống, chịu sâu bệnh, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi bất thường của thời tiết. Hiện, bà con nông dân các xã đang tập trung tỉa dặm, sục bùn, bón thúc và phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, với mục tiêu đạt năng suất, chất lượng trong vụ mùa năm nay.
Quang Huy là một trong những xã có diện tích lúa mùa lớn của huyện, với trên 180 ha, trong đó có 125 ha lúa hữu cơ đã được cấp chứng nhận. Nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu cánh đồng lúa của nông dân trong xã là từ suối Tấc, với hệ thống mương dẫn nước dài trên 20 km đã được cứng hóa. Để đảm bảo việc cấp đủ nước cho đồng ruộng, xã đã vận động người dân các bản rà soát, tu sửa các đoạn mương dẫn nước bị hỏng hoặc xuống cấp. Tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng hợp lý nguồn nước tưới; sử dụng các loại sinh phẩm, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong khu vực.
Trên thửa ruộng của gia đình, bà Nguyễn Thị Niệm, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, chia sẻ: Do thời tiết năm nay nắng, nóng kéo dài, nên tôi chủ động ra đồng sớm. Kết hợp thăm đồng với kiểm tra sự phát triển của cây lúa, kiểm tra lượng nước trong đồng ruộng. Từ đó, sẽ bổ sung hoặc rút bớt nước cho phù hợp; đồng thời chú ý sự phát triển của nhánh lúa để điều chỉnh lượng phân bón hợp lý. Phần diện tích ruộng của gia đình tôi đã chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ được hơn 2 năm, nên việc lựa chọn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều theo hướng dẫn của HTX và các cơ quan chuyên môn của huyện.
Thời gian qua, giá bán các loại phân bón, vật tư nông nghiệp trên thị trường liên tục có sự biến động lớn. Một số loại phân bón thường xuyên được nông dân sử dụng nhiều như NPK, Ure... có giá tăng gấp 2-2,5 lần so với đầu năm 2021. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn trong quá trình sản xuất vụ mùa năm nay. Bởi tăng chi phí sản xuất, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân khi thu hoạch. Khắc phục điều này, ngoài việc sử dụng phân bón NPK để bón thúc cho lúa trong thời kỳ đầu, một số hộ dân ở các xã đã tận dụng nguồn phế thải từ chăn nuôi mang ủ hoai mục để bón cho lúa, nhằm giảm chi phí sản xuất.
Còn ông Đinh Văn Chi, bản Nà Lìu, xã Huy Hạ, cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy trên 3.000 m² ruộng. Nhận thấy giá phân bón tăng, tôi đã chủ động thu gom chất thải chăn nuôi của đàn bò hơn 10 con của gia đình để ủ hoai mục làm phân bón cho vụ lúa. Cách làm này sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, thông tin: Trước diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên phân công cán bộ chuyên môn về cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc để lúa sinh trưởng phát triển tốt, cũng như chủ động phòng chống sâu bệnh hại cho lúa. Đồng thời, chủ động tu sửa, khơi thông mương dẫn nước, nhằm bảo đảm lượng nước cho các thửa ruộng, tránh để ruộng khô hạn hoặc ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ cho vụ sản xuất lúa mùa, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện Phù Yên đều sinh trưởng, phát triển tốt. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã và sự chủ động chăm sóc, phòng chống sâu bệnh kịp thời của bà con nông dân, tin rằng, vụ mùa năm nay, Phù Yên sẽ có một mùa bội thu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!