Để tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn, Hội Phụ nữ xã Quang Huy (Phù Yên) đã phối hợp với đơn vị chức năng của huyện tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; vận động thành lập các mô hình, tổ liên kết sản xuất, góp phần giải quyết việc, tăng thêm thu nhập cho hội viên, trong đó có Tổ liên kết sản xuất chổi chít Quang Huy.
Nghề làm chổi chít giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn cho phụ nữ xã Quang Huy (Phù Yên)
Chị Cầm Thị Ngân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Huy, cho biết: Hội Phụ nữ xã có trên 90% số hội viên làm nghề nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, từ nguồn kinh phí của Đề án 1956, Hội LHPN huyện đã tổ chức lớp dạy nghề sản xuất chổi chít tại xã cho 35 học viên. Sau khi lớp học kết thúc, Hội Phụ nữ xã vận động thành lập Tổ liên kết sản xuất chổi chít Quang Huy, với 15 thành viên. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và tự chủ tài chính bằng nguồn đóng góp của các thành viên.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Chứng, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chổi chít Quang Huy. Tại đây có 5 phụ nữ trong xã đến học nghề. Chị Sầm Thị Thắm, bản Mo 2, nói: Đây là nghề có thể làm quanh năm, nhất là trong thời gian nông nhàn, nên tôi đến đây học nghề. Sau 2 tuần học, tôi đã biết các công đoạn làm chổi chít. Hy vọng công việc này sẽ giúp gia đình tôi có thu nhập để nâng cao cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi về nghề làm chổi chít, bà Hoàng Thị Chứng, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chổi chít Quang Huy, cho biết: Mặc dù là nghề phụ, nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình các thành viên. Công việc này, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia; trẻ em, người già làm những công đoạn nhẹ nhàng như: Vặt chít, bó con chít; người lớn thì đan các con chít; chặt đầu đuôi, làm cán, đóng cán… Ngoài thành viên của Tổ, trong xã còn có vài chục hộ tham gia làm chổi chít. Trung bình một năm, các thành viên trong Tổ xuất khoảng 60.000 chiếc chổi, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/thành viên/tháng. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm chổi của Tổ được các nhà máy, xí nghiệp và trường học trên địa bàn đặt mua.
Qua chia sẻ của các thành viên trong Tổ, nghề làm chổi chít không cần nhiều vốn; nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Để có chít làm quanh năm, từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, các thành viên sẽ thu mua chít dự trữ. Khi mua, chọn chít có độ tuổi non hoặc trung để khi uốn có độ cong. Để chít không bị mốc, cần phơi chít thật khô, cất ở nơi khô ráo, như vậy khi bện con chít chổi mới mượt và không bị gãy khi quét. Quá trình làm chổi chít đều thực hiện thủ công, không tốn nhiều công sức, phù hợp với sự cần mẫn, tỉ mỉ của phụ nữ. Những chiếc chổi chít làm ra đẹp và chắc chắn, được thị trường ưa chuộng.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã Quang Huy còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 338 hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 12 tỷ đồng; duy trì hiệu quả mô hình “quỹ tiết kiệm phụ nữ” với gần 100 triệu đồng cho hội viên nghèo vay phát triển sản xuất. Có vốn, có kiến thức, nhiều hội viên đã liên kết phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 9,52%.
Nghề làm chổi chít giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn cho phụ nữ xã Quang Huy (Phù Yên)
Nghề làm chổi chít đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên Tổ liên kết sản xuất chổi chít Quang Huy. Để duy trì và phát triển, thời gian tới, Tổ rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp trong việc hỗ trợ đầu ra của sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!